TPHCM – Tại phiên xử phúc thẩm liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình.
Ngày 3.12, TAND Cấp cao tại TPHCM tiến hành tuyên án phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan y án sơ thẩm (tử hình) về tội “Tham ô tài sản”, 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan là tử hình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bên trong phòng xử. Ảnh: Anh Tú
Tại tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định hành vi của Trương Mỹ Lan là đặc biệt nghiêm trọng, là người chủ mưu, cầm đầu, cùng lúc phạm 3 tội (Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ).
Các hành vi phạm tội của bị cáo Lan đã tác động xấu đến hoạt động ngân hàng, mất an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận và mất niềm tin của nhân dân. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về 3 tội trên là đúng người, đúng pháp luật, không oan sai.
Xét thấy, ngoài các tình tiết giảm nhẹ cấp sơ thẩm đã áp dụng như có nhiều thành tích trong hoạt động từ thiện, phòng chống COVID-19…, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan có sự chuyển biến sâu sắc về việc khắc phục hậu quả vụ án, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại; đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trương Mỹ Lan và Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận tình tiết giảm nhẹ như Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TPHCM (Viện Kiểm sát) đã đề nghị.
HĐXX tại phiên xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: Anh Tú
Xét tổng thể vụ án là đặc biệt lớn với nhiều tình tiết tăng nặng nên không có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trương Mỹ Lan về tội Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 BLHS 2015 và Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tới thời điểm xét xử phúc thẩm, bị cáo phải khắc phục được ít nhất 3/4 số tiền tham ô 304.000 tỉ đồng, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng… Từ đó, HĐXX mới có căn cứ để giảm án cho bị cáo.
Tuy nhiên, tới thời điểm xét xử phúc thẩm, các tài sản mà bị cáo Lan dùng để khắc phục hậu quả vụ án chưa có pháp lý đầy đủ, chưa xác định được giá trị chi tiết nên chưa có cơ sở tính vào tỉ lệ khắc phục hậu quả vụ án.
Theo HĐXX phiên tòa phúc thẩm, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà bị cáo Lan tiếp tục khắc phục được hậu quả vụ án, đáp ứng tỉ lệ theo quy định pháp luật thì cấp có thẩm quyền có cơ sở giảm án cho bị cáo theo điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015.
Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Anh Tú
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB và là cổ đông có “quyền lực” để thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích của mình.
Từ năm 2012 đến 2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm 1.057 khoản khách hàng cá nhân, 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng.
Đến ngày 17.10.2022 (thời điểm khởi tố vụ án), còn 1.284 khoản vay (gồm 440 cá nhân vay 512 khoản, 435 tổ chức vay 772 khoản) với dư nợ hơn 677.000 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 vào tháng 4.2024, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Lan mức án tử hình, tổng hợp cho 3 tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”. Sau đó, bị cáo Lan cùng 47 bị cáo khác đã có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.