Bánh mì là món ăn được nhiều người yêu thích vì ngon và tiện lợi, nhưng 1 tuần nên ăn bao nhiêu bánh mì để tốt cho sức khoẻ?
Một số lợi ích của bánh mì
Báo Thanh Niên dẫn nguồn một nghiên cứu công bố trên chuyên san Recent Patents on Food, Nutrition & Agriculture phân tích dữ liệu từ 35 nghiên cứu cho biết, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt hoặc đậu có chỉ số đường huyết thấp. Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa, không chỉ ngăn đường huyết tăng đột ngột mà còn rất tốt cho đường ruột.
Chất xơ không hòa tan trong bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt cũng tạo cảm giác no lâu, và giúp mọi thứ đi qua đường ruột dễ dàng hơn.
Ngũ cốc nguyên hạt kích thích sự phát triển của vi khuẩn bifidobacteria và lactobacilli. Đây là 2 loại vi khuẩn đường ruột có khả năng chuyển hóa tinh bột thành a xít béo chuỗi ngắn. Loại a xít béo này giúp bảo vệ niêm mạc ruột, điều chỉnh hoóc môn và ổn định đường huyết.
Không những vậy, một số loại vi khuẩn bifidobacteria còn hỗ trợ hệ miễn dịch và chống viêm nhiễm. Một số loại lactobacilli có tác dụng ức chế viêm nhiễm trong cơ thể. Không những vậy, ngũ cốc nguyên hạt cũng làm giảm các loại vi khuẩn có hại trong ruột như E. coli và clostridia.
Bánh mì ngon nhưng không nên lạm dụng.
Bánh mì làm từ tinh bột trắng mặc dù có chỉ số đường huyết cao nhưng chúng vẫn mang lại nhiều lợi ích cho đường ruột. Những người ăn bánh mì trắng có nhiều lợi khuẩn bifidobacteria và a xít béo chuỗi ngắn hơn so với người ăn cơm. Ngoài ra, nồng độ hoóc môn peptide giống glucagon-1 (GLP-1) trong cơ thể người ăn bánh mì trắng cũng cao hơn. Đây là loại hoóc môn giúp chúng ta cảm thấy no khi ăn.
Giữa bánh mì làm từ tinh bột trắng và từ ngũ cốc nguyên hạt thì loại làm từ ngũ cốc nguyên hạt vẫn được xem là lành mạnh hơn. Vì chúng vẫn giữ được hàm lượng chất xơ, chất chống ô xy hoá và nhiều dưỡng chất khác từ ngũ cốc.
1 tuần nên ăn bao nhiêu bánh mì?
Báo VnExpress dẫn lời tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người trưởng thành chỉ nên ăn bánh mì 1-2 lần một tuần và mỗi lần ăn nên cân nhắc số lượng hợp lý.
Phụ nữ mang thai, người thừa cân, béo phì, mắc đái tháo đường nên hạn chế món này. Cụ thể, ở phụ nữ mang thai, sẽ làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, bệnh tim mạch, trong khi món này không cung cấp nhiều dinh dưỡng cho thai nhi. Còn bệnh nhân đái tháo đường có thể thay bằng bánh mì nâu, sử dụng sữa chuyên biệt.
Theo vtcnews.vn