Muối là một loại gia vị thiết yếu và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về sự tồn tại của một loại muối đặc biệt, mang tên muối biển nhạt.

Trong khi các quốc gia khác đánh giá muối biển nhạt “quý như vàng” vì tác dụng đối với sức khỏe thì ở Việt Nam, mặc dù loại muối này có giá rẻ, dễ tìm nhưng đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến và sử dụng.

Muối biển nhạt là gì?

bot-phen-chua_f4aa9e21c8824238acfcca8b48d45e34_grande.jpg

Việc thay thế natri bằng kali trong muối nhạt không chỉ giúp giữ nguyên hương vị mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Muối biển nhạt là một loại gia vị có thể thay thế cho muối trắng thông thường, với hàm lượng natri thấp hơn khoảng 20-30%. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và huyết áp, vốn là những bệnh phổ biến do tiêu thụ quá nhiều natri.

ThS.BS Dương Quốc Phong, giảng viên Khoa Y tại Đại học Quốc Gia TP.HCM, cho biết: “Muối biển nhạt là muối tự nhiên có hàm lượng natri giảm nhưng vẫn giữ nguyên vị nhờ được thay thế bởi các khoáng chất như canxi, magie và đặc biệt là kali”.

Việc thay thế natri bằng kali trong muối nhạt không chỉ giúp giữ nguyên hương vị mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Kali là một khoáng chất mà nhiều người không tiêu thụ đủ. Nó có thể làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Trung Quốc, các loại muối thay thế có hàm lượng natri thấp, như muối biển nhạt, đã được chứng minh rằng có khả năng ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ. Sử dụng muối nhạt giúp giảm 12% nguy cơ tử vong, 14% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ gặp các biến cố tim mạch khác.

bai-van-ta-ve-bua-com-hang-ngay-cua-gia-dinh-em-hay-nhat-1000916.jpg
Thực tế tại Việt Nam, cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một phần nguyên nhân do lượng natri trong khẩu phần ăn hàng ngày vượt quá mức khuyến cáo của WHO. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc thay thế muối ăn thông thường bằng muối biển nhạt.

Lưu ý khi sử dụng muối biển nhạt

ThS.BS Dương Quốc Phong cho hay, mặc dù muối biển nhạt có hàm lượng natri thấp hơn so với muối ăn thông thường nhưng liều lượng sử dụng cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ mỗi ngày nên giới hạn ở mức khoảng 5 gram, tương đương một thìa cà phê muối.

Muối nhạt thay thế natri bằng kali, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, nhưng điều này đồng nghĩa với việc những người cần hạn chế kali trong chế độ ăn, chẳng hạn như người đang chạy thận nhân tạo, cần tránh sử dụng loại muối này. Nếu tiêu thụ quá nhiều muối chứa kali, có thể gây tình trạng tăng kali máu – một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến các triệu chứng như mạch yếu, tim đập chậm, yếu cơ và thậm chí đột tử.

mam-com-gia-dinh-mien-trung.jpg

Mặc dù muối biển nhạt có hàm lượng natri thấp hơn so với muối ăn thông thường nhưng liều lượng sử dụng cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Vì vậy, những người chưa rõ tình trạng sức khỏe của mình, đặc biệt là những người có bệnh lý nền như bệnh thận, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng loại muối này.

Tóm lại, muối biển nhạt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng vẫn cần sử dụng có chừng mực và đúng đối tượng để tránh những nguy cơ tiềm ẩn.

Những cách giúp bạn hạn chế tiêu thụ muối trong chế độ ăn hàng ngày

1. Thay vì dùng muối để tăng hương vị, bạn có thể sử dụng các loại thảo mộc, gia vị tươi như tỏi, hành, hạt tiêu, chanh, gừng, rau thơm (húng quế, mùi tây, hương thảo) để làm dậy mùi món ăn mà không cần thêm muối.

2. Khi mua thực phẩm chế biến sẵn, hãy đọc nhãn và chọn những sản phẩm có hàm lượng natri thấp, thường có ghi “low-sodium” hoặc “reduced sodium”. Tránh xa các món ăn nhanh, snack mặn, nước sốt đóng hộp vì chúng chứa lượng muối rất cao.

3. Tự nấu ăn giúp bạn kiểm soát lượng muối thêm vào các món ăn. Hạn chế việc sử dụng muối trong khi nấu, thử các cách chế biến khác như hấp, nướng, hoặc xào nhẹ thay vì chiên với muối.

ngay-4-1067x800.jpg
4. Nếu bạn đã quen ăn mặn, hãy giảm dần lượng muối trong các món ăn hàng ngày. Điều này giúp vị giác thích nghi mà vẫn không ảnh hưởng đến hương vị món ăn.

5. Hạn chế thói quen thêm muối vào thức ăn ngay tại bàn ăn. Để tránh bị cám dỗ, bạn có thể không để lọ muối sẵn trên bàn.

6. Thực phẩm chế biến sẵn như bánh mì, xúc xích, đồ hộp, thực phẩm đông lạnh, pizza và mì ăn liền thường chứa lượng lớn muối. Thay vào đó, hãy chọn các loại thực phẩm tươi sống và chưa qua chế biến.

7. Nếu phải sử dụng thực phẩm đóng hộp, hãy rửa sạch chúng dưới nước để loại bỏ phần nào lượng muối có trong sản phẩm, chẳng hạn như đậu, rau củ đóng hộp.

8. Thực phẩm giàu kali như chuối, khoai lang, bơ, rau xanh, đậu và quả hạch có thể giúp cân bằng tác động của natri lên huyết áp, góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch.

9. Các loại nước sốt như xì dầu, tương ớt, nước mắm thường có lượng natri rất cao. Hãy chọn các phiên bản ít muối của các sản phẩm này hoặc dùng với lượng vừa phải.

Theo phunuso.baophunuthudo.vn