Dù chịu áp lực, giá vàng vẫn neo cao, báo hiệu một năm với nhu cầu mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương.
Nhiều ngân hàng đẩy mạnh mua vào, báo hiệu nhu cầu mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương. Ảnh minh họa: Phan Anh
Các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vàng trong tháng 11.2024, với phần lớn các giao dịch được thực hiện bởi các thị trường mới nổi, theo Krishan Gopaul – nhà phân tích cấp cao khu vực EMEA tại Hội đồng Vàng Thế giới.
“Tháng 11 là một tháng mua vàng mạnh mẽ khác khi các ngân hàng trung ương bổ sung tổng cộng 53 tấn vàng vào kho dự trữ chính thức toàn cầu, dựa trên các dữ liệu đã được báo cáo.
Điều này tiếp nối xu hướng chung trong suốt năm 2024, khi các ngân hàng trung ương – chủ yếu đến từ các thị trường mới nổi – vẫn duy trì việc mua vàng, xuất phát từ nhu cầu về một tài sản ổn định và an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu” – Gopaul cho biết.
Gopaul nhận định rằng việc giá vàng giảm trong tháng 11.2024, sau cuộc bầu cử ở Mỹ, có thể đã thúc đẩy một số ngân hàng trung ương tăng cường tích lũy. Phần lớn các giao dịch đến từ các quốc gia đã hoạt động tích cực trong những tháng gần đây.
Ghi nhận lúc 1h30 ngày 7.1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.636,1 USD/ounce.
Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) là đơn vị mua lớn nhất, tăng 21 tấn vàng trong tháng 11.2024, nâng tổng dự trữ lên 448 tấn. “Vàng hiện chiếm gần 18% tổng dự trữ, gần đạt mục tiêu 20% đã được công bố trước đó. Lượng mua này cũng củng cố vị thế của NBP là đơn vị mua vàng lớn nhất từ đầu năm (90 tấn)” – Gopaul nói.
Ngân hàng Trung ương Uzbekistan tăng dự trữ thêm 9 tấn, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 7, đưa tổng mua ròng trong năm lên 11 tấn và dự trữ vàng lên 382 tấn.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tiếp tục chuỗi mua vàng trong năm 2024, bổ sung thêm 8 tấn vào tháng 11. “Điều này nâng tổng lượng mua từ đầu năm lên 73 tấn, đưa tổng dự trữ vàng lên 876 tấn, giữ vững vị trí đơn vị mua lớn thứ hai trong năm 2024 sau Ba Lan” – ông nói.
Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan tăng thêm 5 tấn vàng, nâng dự trữ lên 295 tấn và trở thành người mua ròng 1 tấn trong năm 2024.
Một diễn biến đáng chú ý trong tháng là việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố tiếp tục mua vàng. Sau 6 tháng gián đoạn, PBoC bổ sung 5 tấn vàng, nâng tổng lượng mua ròng trong năm lên 34 tấn và dự trữ vàng báo cáo đạt 2.264 tấn (chiếm 5% tổng dự trữ).
Ngân hàng Trung ương Jordan mua 4 tấn vàng trong tháng 11.2024, nâng tổng lượng mua từ đầu năm lên gần 2 tấn, với tổng dự trữ đạt 73 tấn.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng dự trữ thêm 3 tấn vàng và sử dụng các thỏa thuận hoán đổi ngược (vàng đổi lira) với các ngân hàng thương mại nội địa để quản lý thanh khoản.
Ngân hàng Quốc gia Czech mua gần 2 tấn vàng, đánh dấu tháng thứ 21 liên tiếp mua vào, với tổng lượng mua từ đầu năm đạt gần 20 tấn và dự trữ vượt 50 tấn.
Ngân hàng Ghana bổ sung thêm 1 tấn vàng vào dự trữ, nâng tổng lượng mua từ đầu năm lên gần 10 tấn, với tổng dự trữ đạt 29 tấn. “Ngân hàng cũng phát hành đồng tiền vàng Ghana Gold Coin trong tháng, nhằm ổn định nền kinh tế và khuyến khích đầu tư vào dự trữ vàng quốc gia” – Gopaul cho biết.
Ngược lại, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) là đơn vị bán vàng lớn nhất trong tháng 11, giảm 5 tấn, đưa tổng lượng bán ròng từ đầu năm lên 7 tấn, với dự trữ vàng hiện tại ở mức 223 tấn.
“Trong tháng 12.2024, cũng có thông báo rằng dự trữ vàng của Ngân hàng Phần Lan đã giảm 10%, xuống còn 44 tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 12.1984″ – ông viết.
“Dù còn chờ dữ liệu của tháng 12.2024, sự quan tâm bền vững đối với vàng từ các ngân hàng trung ương trong năm nay rõ ràng đã nhấn mạnh sức hút lâu dài của kim loại quý này. Các ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ mua ròng lớn trong năm thứ 15 liên tiếp – đây là một thành tích đáng ghi nhận” – Gopaul kết luận.