Giá vàng vừa trải qua một tuần lao dốc hiếm có trong bối cảnh ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ. Nỗi lo vẫn ngập tràn trên thị trường, dự báo giá vàng tuần này còn giảm sâu.

Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế trong tuần từ 4-8/11 sụt giảm thê thảm, từ mức trên 2.740 USD/ounce có thời điểm về gần 2.640 USD/ounce. Cuối tuần, vàng trở về mức 2.684 USD nhưng áp lực bán ra vẫn rất mạnh.

Trong nước, vàng miếng SJC “bay” mất 5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 3 triệu đồng/lượng chiều bán ra, về mức 82 triệu đồng/lượng (mua) và 86 triệu đồng/lượng (bán). Vàng nhẫn tròn trơn mất khoảng 4-5 triệu đồng/lượng, tuỳ thương hiệu.

Hiện tượng vàng bị bán tháo trên phạm vi toàn cầu diễn ra trong bối cảnh ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trúng cử tổng thống thứ 47 của Mỹ hôm 6/11. Bên cạnh đó, áp lực chốt lời và hoạt động bán khống đẩy giá xuống nhân sự kiện Donald Trump cũng khiến mức độ giảm thêm khó lường.

Trước đó, vàng đã có một đợt tăng kéo dài trong năm 2023 và trong 10 tháng đầu năm 2024. Chỉ tính từ đầu năm 2024 tới ngày 30/10, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đã tăng hơn 35%, đạt đỉnh 2.789 USD/ounce ghi nhận hôm 30/10.

Trước bầu cử Mỹ, vàng đã có một điều chỉnh, với lý do là những tín hiệu tích cực cho ông Trump.gia vang1.jpgGiá vàng thế giới trong tuần này dự báo có nhiều biến động lớn. Ảnh: Kitco
Tới cuối tuần, tâm lý bi quan vẫn bao trùm. Nhiều người lo ngại các chính sách của ông Donald Trump, cùng với cú “tát nước theo mưa” có thể nhấn giá vàng tuần này chìm sâu hơn nữa.

Lo ngại về triển vọng giá vàng dâng cao sau khi ông Donald Trump có bài phát biểu ăn mừng chiến thắng, tuyên bố sẽ dừng các cuộc chiến tranh. Trước đó, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như hạ nhiệt căng thẳng Trung Đông.

Vấn đề Triều Tiên cũng từng được ông Trump xử lý khá mềm mại trong nhiệm kỳ trước của mình.

Giá vàng thế giới tăng kéo dài trong những năm vừa qua chủ yếu do lạm phát vọt lên trên toàn cầu do xung đột tại Ukraine và hậu đại dịch Covid-19, cũng như căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, qua đó làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giờ đây, lạm phát đã giảm mạnh. Lạm phát tại Mỹ đang hướng về ngưỡng mục tiêu 2% (từ mức 9,1% hồi tháng 6/2022), còn căng thẳng địa chính trị có thể sẽ giảm nhiệt khi ông Trump lên nắm quyền.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kỳ vọng của thị trường. Bên cạnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị, giá vàng còn chịu tác động khá nhiều từ sức mạnh của đồng USD, từ lợi tức trái phiếu và lãi suất của Mỹ.

Lãi suất Mỹ đang vào chu kỳ giảm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có hai lần hạ lãi suất, một vào tháng 9 và hôm 7/11 vừa qua. Dự kiến sẽ có thêm nhiều lần giảm nữa, lãi suất từ mức gần 5% hiện tại có thể về dưới 3%/năm trong năm 2026. Khi đó, đồng USD có thể giảm giá, đẩy vàng đi lên.

Đó là chưa kể lạm phát thế giới có thể vào một chu kỳ tăng kỷ lục mới, không thua kém những năm 2021-2022, khi các nước đua nhau hạ lãi suất cũng như bơm tiền để vực dậy nền kinh tế và lạm phát trên thực tế vẫn chưa về mức kỳ vọng.

Hàng loạt dự báo của các tổ chức uy tín vẫn cho rằng giá vàng sẽ tăng trong trung và dài hạn, có thể lên 3.000 USD/ounce trong năm 2025.

Nhưng trước mắt, tâm lý bi quan sau sự kiện Donald Trump là hiện hữu và dự báo giá vàng tuần tới có xu hướng tiếp tục giảm. Thông tin Trung Quốc ngừng mua vàng tháng thứ 6 liên tiếp cũng ảnh hưởng tới triển vọng kim loại quý.

Trên Kitco, phần lớn chuyên gia phố Wall nhận định giá vàng tiếp tục giảm sau thời điểm ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân đã lung lay. Quán tính cùng với những tuyên bố của ông Trump có thể sẽ kéo vàng xuống trong tuần mới.

Theo khảo sát của Kitco, có 64% chuyên gia dự báo vàng giảm, chỉ có 21% dự báo tăng và 14% có quan điểm trung lập. Còn khảo sát với Main Street, các nhà đầu tư cá nhân đã không còn duy trì được sự lạc quan áp đảo. Có tới 36% cho rằng vàng sẽ giảm trong tuần mới và 18% dự báo đi ngang.

Dự báo giá vàng tuần này trong nước sẽ có nhiều biến động theo giá vàng thế giới.