Loại cây này từng mọc dại ở ven rừng, bờ ao và ít được người dân sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay cây lại được nhiều người săn lùng, các bộ phận của cây đều có thể làm thuốc chữa bệnh.
Tác dụng của cây bồ quân
Cây bồ quân thường mọc dại ở ven rừng, rừng thủy sinh, trong các lùm bụi ở bờ suối và bờ ao. Tại các tỉnh trung du ở miền Bắc, người dân thường trồng cây bồ quân ở bờ ao. Quả của cây bồ quân trước kia ít được mọi người sử dụng nên thường rụng đầy gốc. Tuy nhiên, hiện nay, quả bồ quân lại được nhiều người săn lùng.
Theo Tạp chí Tri thức và cuộc sống, quả bồ quân vào đầu mùa có giá thành khá đắt đỏ, khoảng 80.000 đồng/kg. Còn khi vào chính vụ, giá của loại quả này sẽ giảm còn 40.000-50.000 đồng/kg, tùy kích thước lớn hay nhỏ.
Quả bồ quân (ảnh minh họa).
Bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Cổ truyền sản phẩm hữu cơ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Nam Y Việt Nam cho hay, bồ quân có tên khác là hồng quân, mùng quân… và có tên khoa học là Flacourtia cataphracta Roxb. ex Willd. thuộc họ bồ quân.
Hiện nay, cây được trồng bằng hạt hoặc chiết cành trồng. Các bộ phận của cây bồ quân đều có thể dùng làm thuốc, bao gồm: lá, quả, vỏ cây và rễ.
Theo bác sĩ Trọng, trong y học cổ truyền quả bồ quân có vị ngọt, chua, tính ấm, không độc. Quả ăn có tác dụng tiêu thực phá tích trệ, giáng khí ho đờm, quả non có tác dụng cầm tiêu chảy.
Y học hiện đại cũng đã chứng minh quả bồ quân có tác dụng giải khát, kích thích tiêu hóa, chống thiếu mật và đau gan, chống buồn nôn.
Quả bồ quân có tác dụng làm se niêm mạc dạ dày và ruột, làm giảm tiết dịch vị, tốt cho gan mật. Ăn quả bồ quân gây nhuận tràng nhẹ (phụ nữ mang thai không được dùng).
Bác sĩ Hữu Trọng cho hay, quả bồ quân chín có thể ăn trực tiếp hoặc được dùng làm mứt. Nước ép của quả bồ quân non có thể chữa đau bụng tiêu chảy, đau ở vùng gan, nên uống 1-2 lần/ngày.
Ngoài ra, quả bồ quân còn được dùng để ngâm rượu, giúp nâng cao sức khỏe.
Ngoài quả bồ quân, lá, các bộ phận khác của cây cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh:
– Lá và chồi non của cây bồ quân có tính bình, có tác dụng bổ dưỡng, lợi tiêu hóa, làm săn da, sát khuẩn và làm ra mồ hôi.
– Vỏ và rễ cây bồ quân có tính bình, có tác dụng giáng khí.
Lá, rễ và vỏ cây đều có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, với liều 30-40g/ngày.
Bài thuốc từ cây bồ quân
Bác sĩ Hữu Trọng cũng giới thiệu thêm một số bài thuốc sử dụng bồ quân. Cụ thể như sau:
– Chữa ho khản tiếng, đờm nhiều do viêm họng: Vỏ cây và rễ cây bồ quân đã được sao vàng 30g, quả quất hồng bì 20g, quả bồ quân chín hoặc xanh 20g, vỏ quýt sao thơm 10g. Cho các vị thuốc kể trên vào 600ml nước, sắc đến khi còn 200ml nước thuốc, chia ra uống 2 lần trong ngày, ngày uống 1 thang.
– Chữa tiêu chảy đau bụng: Lá và chồi non của cây bồ quân 20g, búp ổi non 12g, hồng xiêm khô 12g, sinh khương (gừng khô) 4g. Cho tất cả các vị thuốc vào 400ml nước, sắc đến khi còn 100ml nước thuốc, chia làm 2 lần uống trong ngày. Ngày uống 1 thang. Ngoài ra, mọi người cũng có thể dùng nước ép của quả bồ quân non để chữa đau bụng tiêu chảy.
– Phòng ngừa u xơ tiền liệt tuyến: Trong dân gian rễ bồ quân còn được biết với tác dụng phòng ngừa u xơ tiền liệt tuyến. Mọi người có thể dùng rễ bồ quân sắc với 3 bát nước đến khi cạn còn 1 bát nước thuốc và uống trong ngày.
Quả, lá, rễ và vỏ thân cây bồ quân không có độc, tuy nhiên, khi sử dụng các bộ phận của cây bồ quân làm thuốc, mọi người vẫn nên tham vấn ý kiến của người có chuyên môn để đảm bảo an toàn.
Ngọc Minh