Những thói quen sinh hoạt như thế này rất phổ biến, nhiều gia đình cũng đã mắc phải sai lầm tương tự mà không hề hay biết
Ngoài yếu tố di truyền thì ung thư và bệnh tật còn có thể bắt nguồn từ lối sống, thói quen sinh hoạt, môi trường sống của bạn. Có những thói quen sinh hoạt tưởng như tiết kiệm, sạch sẽ nhưng thực chất lại đang gieo rắc “mầm mống” bệnh tật mà bạn không hề biết.
1. Gọt bỏ phần trái cây bị hỏng rồi tiếp tục ăn
Các loại quả như táo, đào, chuối, lê,… thường dễ bị hỏng nếu để lâu hoặc không bảo quản trong điều kiện thích hợp. Đôi khi chúng chỉ hỏng một phần, thay vì bỏ đi không ăn thì nhiều gia đình lại chọn cách gọt bỏ phần bị hỏng rồi tiếp tục ăn. Thói quen này đặc biệt nguy hiểm.
Ảnh: Sohu, Quora
Theo Health Sina, khi trái cây bắt đầu bị hỏng, vi khuẩn hay nấm mốc sẽ sinh sôi không ngừng và thẩm thấu vào phần chưa bị hỏng, sinh ra các độc tố như aflatoxin. Aflatoxin là gì? Độc tố này là chất gây ung thư loại I luôn được WHO khuyến cáo. Chúng ta có thể bắt gặp aflatoxin trong các loại ngũ cốc bị nấm mốc như ngô, gạo, đậu phộng,… Người bệnh hấp thụ aflatoxin qua đường miệng dù chỉ 1 miligam cũng có thể gây ung thư như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thận,…
2. “Gom” đồ lót nhiều ngày rồi mới giặt
Quần áo thay ra trong một ngày không phải lúc nào cũng đủ nhiều để giặt nên nhiều người có xu hướng gom đồ lót thay ra hàng ngày tới khi đủ nhiều thì giặt một lần. Thói quen này nhìn thì tiết kiệm công sức giặt giũ, thời gian nhưng cái giá phải trả là sức khỏe bị ảnh hưởng.
Ảnh: Sohu, QQ News
Hơn nữa, giặt đồ lót để nhiều ngày chung với các loại quần áo khác còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo. Do đó, tốt nhất hãy giặt đồ lót của mình hàng ngày sau khi thay rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng máy sấy quần áo để đảm bảo vi khuẩn không còn “ổ” để làm tổ nữa.
3. Rửa thịt sống trực tiếp dưới vòi nước
Rửa thịt trước khi sơ chế luôn được khuyến cáo để miếng thịt được rửa sạch bụi bẩn. Nhìn thoáng qua thói quen này có vẻ như không có vấn đề gì nhưng thực tế khi rửa thịt, vi khuẩn từ miếng thịt (như Salmonella, E. coli, tụ cầu khuẩn,…) sẽ bắn “tung tóe” khắp nơi trong bồn rửa đồ theo tia nước từ vòi, làm nhiễm khuẩn toàn bộ bồn rửa và thậm chí là bắn cả ra ngoài không gian bếp.
Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì vi khuẩn này sẽ phát triển, nhiễm chéo vào thực phẩm khác và gây bệnh như ngộ độc, tiểu chảy, đau bụng, nôn mửa,…
Ảnh: Sohu
Rửa thịt sống như thế nào là đúng cách? Thay bằng việc rửa trực tiếp dưới vòi nước, bạn có thể ngâm thịt sống vào nước vo gạo hoặc nước muối loãng khoảng 10 phút trước khi rửa và nên cho thịt vào chậu riêng để rửa, dùng tay chà nhẹ lên bề mặt thịt sống và tránh cho vi khuẩn bắn ra bồn rửa. Sau đó vệ sinh lại chậu rửa thịt sống và để ráo cho lần sử dụng tiếp theo. Cuối cùng bạn nên nhanh chóng rửa sạch tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch và lau khô tay.
4. Lau bàn bằng giẻ lau
Sau khi ăn xong, bạn có lau bàn sạch sẽ bằng giẻ không? Thói quen này có vẻ sạch sẽ nhưng một miếng giẻ lau có thể chứa tới 5 nghìn tỷ vi khuẩn trên đó nếu như không được phân loại và giặt thường xuyên.
Và nếu bạn chỉ dùng một chiếc giẻ lau bàn để lau trong thời gian dài hoặc lau cho nhiều bề mặt khác nhau thì rất có nguy cơ gây ra các rủi ro sức khỏe, đặc biệt là người có hệ miễn dịch suy yếu, người già hay trẻ nhỏ. Đó có thể là các bệnh tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc, hay thậm chí là cả ung thư.
Ảnh: Sohu
Vậy giặt giẻ lau bao lâu một lần? Khi nào cần thay giẻ lau? Để an toàn, nếu không thể giặt giẻ lau bàn hàng ngày thì bạn có thể thử đổi sang giẻ lau dùng một lần. Với các khu vực bếp khác nhau bạn cũng nên phân nhóm giẻ lau khác nhau để tránh nhiễm khuẩn chéo. Đừng quên giặt, tiệt trùng giẻ lau và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc nơi khô thoáng thường xuyên; và cuối cùng là thay các loại giẻ tối đa 3 tháng một lần.
5. Bật máy hút mùi khi nấu ăn nhưng lại tắt ngay sau khi vừa nấu xong
Khói dầu ăn là một trong nhiều yếu tố gây ung thư nếu tiếp xúc trong thời gian dài, chẳng hạn như ung thư phổi. Vì vậy sử dụng máy hút mùi hay quạt thông gió đặc biệt quan trọng và là thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe. Tuy vậy, để tiết kiệm thì nhiều gia đình lại tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu ăn xong.
Ảnh: The Paper, Sohu, smzdm
Điều này vô tình khiến khói dầu ăn không được thoát hết, bám vào rèm cửa hay các đồ dùng trong gia đình. Hơi ẩm dư thừa trong không khí tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn. Chúng xâm nhập vào phổi của con người qua đường hô hấp, trong thời gian dài tiếp xúc sẽ gây ra bệnh đường hô hấp, nghiêm trọng hơn là ung thư.
Chính vì vậy mà bạn nên để máy hút mùi hoạt động thêm khoảng 10 – 15 phút, đặc biệt là khi nấu các món chiên rán, cho máy được hút triệt để mùi thức ăn, khí độc rồi mới tắt máy
6. Gói, bọc thức ăn bằng giấy báo, khăn giấy
Mỗi khi bọc thức ăn trong khăn giấy, chất huỳnh quang và chất làm trắng có thể bám vào đồ ăn. Thói quen này tưởng giúp cho đồ ăn sạch sẽ nhưng lại rất có hại, nhất là khi giấy ăn hay giấy báo không được làm từ chất liệu dùng cho thực phẩm và có thể chứa vi khuẩn sau khi trải qua rất nhiều khâu in ấn, vận chuyển, chuyền tay nhiều người. Đặc biệt đồ ăn có nhiệt độ càng cao thì các chất có hại trên giấy gói sẽ bay hơi rất nhanh.
Ảnh: Sohu
Các chất huỳnh quang, làm trắng hay hợp chất của chì trong mực in có thể gây biến đổi gen, tác động tới hệ thần kinh cùng nội tạng. Trong đó, nhiễm độc chì có thể khiến người nhiễm bị ngộ độc, gây thiếu máu, rối loạn ý thức, đau đầu, co giật, chậm phát triển chiều cao, viêm gan và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt.
Nguồn: Sohu