Để không còn bối rối khi bị hỏi “thưởng Tết được bao nhiêu”, hãy cùng tham khảo 3 cách trả lời khéo léo sau.
Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm, câu chuyện về thưởng Tết luôn trở thành đề tài nóng hổi được mọi người quan tâm. Đối với nhiều người, đây không chỉ là niềm vui, sự đánh giá về thành quả làm việc một năm qua mà còn là cơ hội để so sánh và đánh giá với người khác.
Đôi khi, những cuộc trò chuyện về chủ đề này có thể mang lại những tình huống không mong muốn nếu như không được xử lý khéo léo, đặc biệt là trong môi trường làm việc, nơi mà sự đố kỵ có thể nảy sinh một cách dễ dàng. Để tránh tạo ra mâu thuẫn không đáng có và vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, người có chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao sẽ lựa chọn cách tiếp cận thông minh và tinh tế thông qua những câu trả lời đã được suy nghĩ kỹ lưỡng.
3 câu trả lời khôn khéo khi bị người ngoài hỏi “thưởng Tết được bao nhiêu”. Ảnh minh họa
“Lương hàng tháng đều chuyển thẳng cho vợ (mẹ), thưởng Tết với tôi cũng không còn quan trọng nữa rồi”
Câu nói này mang sự hài hước, vừa giúp hóa giải không khí căng thẳng khi đề cập đến tiền bạc, vừa cho thấy sự khiêm tốn và sự giao phó quản lý tài chính cho người thân trong gia đình.
Phương pháp này thường tạo nên tiếng cười và sự đồng cảm, làm cho cuộc trò chuyện trở nên nhẹ nhàng và không đi sâu vào những chi tiết cá nhân quá mức.
Thông thường mọi người thường sẽ tự khắc biết ý không hỏi quá sâu về khoản thu nhập này. Trong trường hợp có người vẫn cố tình muốn hỏi thì bạn có thể nửa đùa nửa thật nói rằng: “Muốn biết thì hãy đi hỏi vợ tôi (mẹ tôi)”. Câu nói này như một lời từ chối và nhắc nhở lịch sự tới người đối diện. Và tất nhiên, không ai lại đi hỏi vợ hoặc mẹ của bạn về khoản tiền lương thưởng này nữa.
“Năm qua khó khăn, có thưởng là quý rồi, không quan trọng ít hay nhiều”
Câu nói này phản ánh một thái độ tích cực và khơi gợi sự đồng cảm với những khó khăn mà mọi người có thể đã phải đối mặt trong năm qua.
Khi một người sử dụng câu này để trả lời câu hỏi về thưởng của mình, điều đó cho thấy họ không muốn chia sẻ thông tin chi tiết về số tiền thưởng. Đây cũng có thể là một cách lịch sự để né tránh câu hỏi về vấn đề tài chính cá nhân, thể hiện rằng bản thân không muốn so sánh đo khoản tiền thưởng này. Ngoài ra, ngay khi người đối diện bày tỏ sự đồng cảm người EQ cao sẽ “lái” chủ đề sang nhiều tình huống khó khăn mà mọi người có thể gặp phải. Sự đồng cảm sẽ kéo gần khoảng cách và câu hỏi ban đầu sẽ ít được quan tâm hơn.
Chỉ cần vài câu nói đã đưa câu chuyện sang chủ đề khác một cách tinh tế. Ảnh minh họa
“Mặt bằng chung mọi người trong ngành được thưởng khoảng 5 triệu, có thể tăng hoặc giảm tùy vào đánh giá năng lực”
Khi rơi vào tình huống khó có thể từ chối trả lời câu hỏi “thưởng Tết được bao nhiêu”, các bạn có thể cung cấp một thông tin chung chung và không đưa ra con số cụ thể của bản thân. Như “trong ngành thường được thưởng một khoản tiền A (tùy bạn làm ngành nghề nào), tuy nhiên tăng giảm tùy đánh giá năng lực”.
Việc trả lời như vậy giúp tránh được việc so sánh trực tiếp với người khác. Nó cũng mở ra quan điểm rằng mức thưởng Tết không chỉ dựa trên một tiêu chuẩn chung mà còn phụ thuộc vào đánh giá cá nhân và các yếu tố khác, thể hiện sự công bằng và minh bạch trong công việc.
Người EQ cao có cách trả lời khôn khéo vừa tránh bị đố kỵ lại không gây mất lòng ai. Ảnh minh họa
Kết luận lại, những cách trả lời về thưởng Tết được trình bày một cách khéo léo và tinh tế, cho thấy người có EQ cao không chỉ biết cách bảo vệ thông tin cá nhân mà còn biết cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp và mọi người xung quanh. Họ khéo léo trong việc diễn đạt mà không làm tổn thương đến lòng tự trọng của bất kỳ ai, thể hiện kỹ năng giao tiếp tinh tế và quý giá, đặc biệt quan trọng trong môi trường làm việc ngày nay.
Theo Đời sống Pháp luật