Hơn 60 năm trước, có câu chuyện rất thú vị về việc đặt tên khi tiến hành sáp nhập 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Chuyện sáp nhập tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang 63 năm trước
Trong nội dung bài báo “Xin cảm tạ cụ Cử, tôi đã tìm đúng người” của nhà báo Xuân Ba đăng trên báo Tiền Phong dịp Quốc khánh 2/9/2022, có kể về câu chuyện Người đã đặt tên cho tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang khi sáp nhập năm 1962. Người đó là cụ Nguyễn Đình Ngân.
Cụ Nguyễn Đình Ngân sinh năm 1890. Đỗ Cử nhân năm 19 tuổi. Từng là Tham tri (cỡ Thứ trưởng) trong Triều đình Huế. Rồi cụ theo cách mạng, đeo ba lô đi kháng chiến, làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Khu 4. Năm 1960, cụ Ngân trúng cử đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Thanh Hóa.
Liên quan đến chuyện đặt tên tỉnh, vào tháng 10/1962, Quốc hội họp phiên cuối năm ở Nhà hát lớn Hà Nội. Giờ giải lao buổi sáng, nhóm nhân sĩ như thường lệ tụ lại với nhau bàn chuyện thế sự. Chuyện đương rôm thì Bác Hồ đến gần, Bác vui vẻ chào mọi người và nói có chút việc nhờ cụ Nguyễn Đình Ngân góp ý…
Cụ Nguyễn Đình Ngân – người hiến kế đặt tên tỉnh Hà Bắc khi Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập năm 1962. Ảnh Tư liệu
Trưa ấy tại khách sạn Kim Liên, nơi nghỉ của đại biểu Quốc hội, cụ Nguyễn Đình Ngân không ngủ, cụ bước đi lại bước lại có điều đang phải suy nghĩ.
Cụ Nguyễn Đình Ngân bộc bạch với người bạn cùng phòng là cụ Đinh Văn Liên, Quốc hội sắp duyệt chương trình của Chính phủ, có đề nghị nhập 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Mọi thứ đều đồng thuận cao, riêng cái tên tỉnh mới thì còn phân vân. Bởi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang đều muốn giữ lại một chút tên làm kỷ niệm. Nhưng đặt là Ninh Giang hay Giang Ninh đều không xuôi, không ổn. Bác Hồ muốn tôi cùng nghĩ và góp ý cho. Cụ Ngân hứa với Bác Hồ sẽ gắng nghĩ trong ngày hôm ấy.
Buổi chiều gặp lại Bác Hồ trong hội trường Nhà hát lớn Hà Nội, cụ Nguyễn Đình Ngân đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình: Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều có chung chữ Bắc. Chữ ấy có ý nghĩa về lịch sử và địa lý thì ta nên giữ lại. Chữ thứ hai thì ta nên cân nhắc, tỉnh mới gần thủ đô Hà Nội, quanh thủ đô đã có Hà Đông và Hà Nam, thì nay gọi Hà Bắc là thuận. Chữ “Bắc” nhất định phải để sau để tránh trùng cụm từ Bắc Hà. Bắc Hà trong lịch sử là vùng đất Đàng ngoài, từ sông Gianh trở ra trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm. Sĩ phu Bắc Hà là trí thức Đàng ngoài, sinh ra chủ yếu ở đất Thăng Long và các vùng phụ cận.
Bác Hồ nghe xong nắm tay cụ Nguyễn Đình Ngân thật chặt: Cảm ơn cụ, tôi đã nhờ đúng người! Tên ấy hợp lắm, tôi sẽ báo cáo lại Chính phủ.
Và rồi, cuối khoá họp, ngày 27/10/1962, Quốc hội đã biểu quyết nhất trí lấy tên Hà Bắc đặt cho 2 tỉnh mới sáp nhập Bắc Ninh và Bắc Giang.
Bắc Ninh ngày nay. Ảnh Báo Bắc Ninh
Tỉnh Hà Bắc sau 34 năm có tên trên bản đồ hành chính Việt Nam, đến ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX đã ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hà Bắc, tái lập thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; hai tỉnh mới tái lập chính thức hoạt động từ ngày 1/1/1997.
Sau gần 30 năm tách tỉnh, đến nay Bắc Ninh và Bắc Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhưng câu chuyện về việc đặt tên tỉnh nêu trên không chỉ hấp dẫn, thú vị mà còn là bài học sâu sắc khi ngày nay đất nước cũng đang triển khai việc sáp nhập tỉnh.
Bài học kinh nghiệm sâu sắc
Trao đổi với PV Dân Việt xung quanh câu chuyện này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (sau đó Ủy ban này đổi tên thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nay đã hợp nhất với Ủy ban Xã hội thành Ủy ban Văn hóa, Xã hội) cho rằng, bài học từ việc sáp nhập tỉnh năm xưa không phải cứ các tỉnh ngày trước từng sáp nhập với nhau nay sáp nhập lại thì xem xét lấy tên gọi cũ.
“Bài học sâu sắc mà chúng ta học Bác Hồ trong câu chuyện kể trên là sự lắng nghe, lắng nghe người dân, lắng nghe ý kiến tâm huyết, lắng nghe hơi thở của thời đại. Khi người dân phản ánh thì đó chính là tiếng nói từ cơ sở, tiếng nói từ cuộc sống, tiếng nói của thời đại. Những người có trọng trách phải biết lắng nghe, lắng nghe bằng tâm hồn, bằng trái tim, bằng sự chân thành để chọn lọc, điều hay có thể áp dụng ngay, những điều chưa phù hợp thì cũng phải lý giải cho người dân hiểu”, TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
Sự phát triển của tỉnh Bắc Giang ngày nay. Ảnh Báo Bắc Giang
Vẫn theo TS Chức, việc đặt tên cho một địa giới hành chính mới khi sáp nhập để hài hòa là việc rất khó, bởi tỉnh nào cũng có truyền thống của mình, tỉnh nào cũng có nét văn hóa đặc trưng, nét văn hóa cùng với địa danh nó đã đi vào lòng người. Thế nên khi tiến hành sáp nhập tỉnh, vì lý do nào đó mà một tỉnh không còn tên gọi theo địa giới hành chính thì người dân sẽ rất băn khoăn.
“Thế nhưng khi bình tĩnh hồi tâm, chúng ta đặt vấn đề và suy nghĩ, vậy thì ai có khả năng đặt tên tỉnh mới khi sáp nhập đáp ứng được tất cả, đáp ứng nhu cầu của cả tỉnh này và tỉnh kia, thậm chí là 2-3 tỉnh sáp nhập thành một mà vẫn đáp ứng được tên gọi. Về mặt cơ học khi sáp nhập có thể tên của một tỉnh không còn, nhưng văn hóa đặc trưng của tỉnh đấy không bao giờ mất được, con người, làng xóm, quê hương vẫn còn đó. Ví dụ như cồng chiêng xứ Mường ở Hòa Bình thì vẫn không thể mất, lúc nào cũng phải gìn giữ và phát triển. Có thể nói khi sáp nhập tên gọi có thể không còn nhưng văn hóa thì không bao giờ mất”.
Cũng theo TS Viết Chức, muốn như thế thì các lãnh đạo từ Trung ương cho đến các tỉnh phải rất chú ý điều này. Đối với những tỉnh nếu sáp nhập không còn tên nữa phải chú ý hơn, phải đảm bảo giữ gìn văn hóa hơn nữa. Khi thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, thành cũng là một cuộc thử thách để cho con người buông bỏ cái vấn đề cá nhân, buông bỏ vấn đề địa phương cục bộ đi. Dân tộc ta đã có bao nhiêu lớp người hy sinh xương máu để có được Việt Nam độc lập, một Việt Nam thống nhất, để từ đó xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó cũng chính là mong ước của chúng ta.
“Cuộc sáp nhập tinh gọn bộ máy có tính cách mạng này cũng nhằm để thực hiện mục tiêu đó, vì vậy mỗi một người trong chúng ta phải phải vươn lên trên chính mình để bỏ qua những gì nó thuộc về cá nhân, thuộc về cục bộ, dù điều đó không có gì xấu. Tới đây dù tỉnh có sáp nhập hay không thuộc trường hợp sáp nhập, dù còn tên gọi của tỉnh còn hay không còn thì điều quan trọng là làm sao để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, hòa chung với nhịp đập của đất nước, để đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, TS Nguyễn Viết Chức chốt lại vấn đề.