Chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non đang là vấn đề được quan tâm trong Dự thảo Luật Nhà giáo.
Nhiều giáo viên mầm non băn khoăn việc nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh: Thanh Hằng
Chính sách nhân văn
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non được quan tâm. Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 tuổi và không giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 20 năm trở lên.
Trước thông tin này, cô Nguyễn Thị Xuân Hương – giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân (Nghệ An) bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, đây là chính sách nhân văn, quan tâm tới đội ngũ giáo viên mầm non. Theo cô Hương, giáo viên mầm non là nghề vất vả, công việc không chỉ gói gọn trong việc dạy học, mà cả chăm sóc, nuôi dạy và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đáp ứng yêu cầu về năng khiếu như hát, múa, vẽ. Tuy nhiên, theo thời gian, sự dẻo dai và linh hoạt của giáo viên giảm dần, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc và khả năng thích ứng với những đổi mới trong giáo dục.
“Nếu đủ điều kiện, tôi cũng muốn được nghỉ hưu sớm. Trên thực tế, giáo viên mầm non đang phải đối mặt với khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc kéo dài có khi lên tới 12 giờ/ngày. Bên cạnh áp lực công việc, giáo viên mầm non còn phải đối diện với nhiều áp lực từ phụ huynh” – cô Hương chia sẻ.
Cùng quan điểm, cô Mang Thị Hồng Hòa – giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Đào (Ninh Thuận) cho hay, việc cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là một đề xuất hợp lý và đúng đắn, phù hợp với những khó khăn, đặc thù trong công việc.
Tuy nhiên, cô Hòa băn khoăn về điều kiện phải đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên bởi không phải giáo viên nào cũng có đầy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là những người vào nghề muộn hoặc bị gián đoạn trong quá trình công tác. Điều này khiến họ đối mặt với nguy cơ không đủ điều kiện nghỉ hưu, buộc phải tiếp tục làm việc trong điều kiện sức khỏe không đáp ứng.
Làm rõ những băn khoăn
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) – chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.
Xét ở chủ thể là giáo viên mầm non, tính chất công việc của họ rất vất vả. Một giáo viên thông thường phải phụ trách hơn 10 trẻ. Với những lứa tuổi nhỏ như vậy, các thầy cô phải chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ tới việc lựa chọn giáo án phù hợp. Các bài học ở trường mầm non thường xoay quanh việc múa, hát, làm đồ thủ công. Tính chất công việc này không quá phù hợp với người lớn tuổi.
“Tuy nhiên, chính sách này hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của từng giáo viên. Nếu không có nhu cầu nghỉ trước tuổi, các thầy cô vẫn có thể cống hiến tới đúng tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động” – bà Nga nhấn mạnh.
Chia sẻ với băn khoăn của giáo viên về quy định thời hạn đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đây là khoảng thời gian hợp lý.
“Theo quy định, giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm. Nếu một người tốt nghiệp trình độ đại học, ra trường ở tuổi 22, sau 20 năm làm việc, họ cũng chưa đạt tới ngưỡng tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm trở lên sẽ đảm bảo lương hưu giáo viên có thể đảm bảo cuộc sống của họ sau khi nghỉ hưu” – bà Nga nhận định.
Bàn về vấn đề có hay không nên đưa chính sách nghỉ hưu trước tuổi với giáo viên mầm non vào trong dự thảo Luật Nhà giáo, theo bà Nga, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm mục đích xác định hệ thống chính sách đặc thù cho nhà giáo. Nếu không quy định chính sách này trong luật thì sẽ phải ban hành Thông tư. Vì vậy, những chính sách liên quan tới nhà giáo nên được quy định rõ ràng trong Luật Nhà giáo, nhằm làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của người giáo viên.