Hơn một thập kỷ trôi qua, ký ức buồn về thế hệ vàng ở SEA Games 2005 tại Bacolod vẫn là nỗi ám ảnh, niềm trăn trở với nhiều cổ động viên cũng như những người làm bóng đá Việt Nam.
Thành phố Bacolod là thủ phủ tỉnh Negros Occidental, phía tây của đảo Visayan, Philippines. Người dân Bacolod gọi nơi mình đang sống là “thành phố của những nụ cười” vì môi trường ở đây rất trong lành, thân thiện. Thế nhưng, với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, nhắc tới Bacolod là nhắc tới mảnh ký ức buồn với niềm tin vỡ vụn vào một thế hệ vàng tại SEA Games 2005.
Đến người Thái cũng phải e ngại
Lâu nay, Việt Nam luôn coi Thái Lan là đối trọng số một tại các giải đấu trong khu vực. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, đã bao giờ người Thái đặt chúng ta “ngồi chung mâm” với họ? Trong 21 lần đối đầu ở cấp độ đội tuyển, chúng ta có vẻn vẹn 2 chiến thắng, hòa 4 trận và nếm trái đắng tới 15 lần.
Gần như chưa bao giờ, dù cho đó là thế hệ vàng của Tiger Cup 1998 với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Sỹ,… hay thế hệ vàng 3.0 với những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường. Tất cả đều đã từng nếm trái đắng trước người Thái và chưa hề khiến họ phải run sợ.
Chỉ trừ duy nhất một trường hợp ngoại lệ.
Tại Việt Nam hơn một thập kỷ trước, người ta vẫn hay truyền tai nhau rằng: “Có Quốc Vượng và Văn Quyến trên sân, Thái Lan cũng phải tắt điện”.
Đến người Thái cũng phải dè chừng khi chúng ta sở hữu Văn Quyến, Quốc Vượng trong đội hình.
Quả thực, Thonglao, Sakda hay Kiatisak có thể là những ngôi sao hàng đầu của bóng đá khu vực, là những kẻ gieo rắc sự khiếp sợ cho mọi đối thủ tại các giải đấu. Thế nhưng, mỗi khi nhắc tới Vượng “cơ”, Quyến “béo”, những cái tên khét tiếng kia cũng phải cảm thấy e ngại.
Chia sẻ với báo chí, “Zico Thái” Kiatisuk Senamuang nhận xét ngắn gọn: “Chỉ Văn Quyến mới khiến người Thái cảm thấy sợ hãi”.
Còn với Datsakorn Thonglao, số 7 cự phách của bóng đá Đông Nam Á một thời cũng phải thẳng thắn thừa nhận: “Quốc Vượng chuyền và sút xa tốt như tôi, nhưng trội hơn ở khả năng tranh chấp. Lối đá rát và quyết liệt của Vượng khiến không chỉ tôi mà nhiều cầu thủ khác rất bối rối mỗi khi cầm bóng, thường không có thời gian xoay xở nhiều mà phải chuyền ngay”.
Và không chỉ có vậy, Việt Nam khi ấy còn sở hữu những Tài Em, Minh Phương, Công Vinh hay Thanh Bình, những cầu thủ đóng vai “kép phụ” nhưng luôn sẵn sàng chiếm trọn ánh đèn sân khấu khi đội nhà cần.
Với lực lượng như vậy, lẽ ra chúng ta đã có thể quật ngã được người Thái không chỉ một lần tại AFF Cup 2008 mà còn rất nhiều lần khác nữa. Chỉ tiếc rằng, những biến cố xảy ra sau đó đã khiến thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam mãi chỉ là hoài niệm trong lòng người hâm mộ.
SEA Games 2005 và đại án Bacolod
Tại SEA Games 22 trên sân nhà, chúng ta vuột mất tấm huy chương vàng sau thất bại 1-2 đáng tiếc ở chung kết. Đó là trận đấu chúng ta đã chơi tốt, và nếu không có chiếc thẻ đỏ tai hại của Quốc Vượng sau những tình huống khiêu khích của cầu thủ Thái Lan, chức vô địch năm đó có lẽ đã nằm lại với bóng đá Việt Nam.
Lứa cầu thủ của Văn Quyến xứng đáng được coi là thế hệ vàng thứ hai của bóng đá Việt Nam.
Màn trình diễn mãn nhãn khiến mọi người tin rằng lứa cầu thủ này sẽ làm nên chuyện tại kỳ SEA Games tiếp theo ở Philippines, khi họ chín chắn, dạn dày hơn. Và quan trọng, cú sốc tại Mỹ Đình được kỳ vọng sẽ là động lực để các tuyển thủ quyết tâm hơn ở kỳ đại hội cuối cùng trong sự nghiệp.
Tuy vậy, cuộc sống đã đẩy con tàu mơ ước va vào những tảng đá sắc cạnh của thực tại phũ phàng. Đâu ai biết rằng, hai trận đấu đó lại chính là nguồn cơn cho những tai họa ập xuống sau này.
Về nước sau khi một lần nữa vô duyên với tấm huy chương vàng, đại án bán độ của hàng loạt trụ cột bị phanh phui. Và khi cái tên “đầu xỏ” được xướng lên, nó không khác gì cái tát vào niềm tin và lòng kiêu hãnh của cổ động viên Việt Nam.
Đó là Lê Quốc Vượng, cái tên khiến mọi cầu thủ Thái Lan đều phải dè chừng khi nhắc tới, cái tên được người Việt kỳ vọng sẽ giúp đưa cán cân đối đầu Việt Nam – Thái Lan trở về vị trí cân bằng.
Bảy cầu thủ “nhúng chàm” của U23 Việt Nam trước vành móng ngựa.
Ngày 17/11/2005, Quốc Vượng nhắn tin về Việt Nam cho cựu cầu thủ Nguyễn Phi Hùng, thông báo số điện thoại tại Philippines để tiện liên lạc. Đến 23/11, một ngày trước trận gặp Myanmar, qua giới thiệu của Hùng, Vượng nhận được cuộc gọi từ đàn anh Trương Tấn Hải, cựu cầu thủ CLB Cảng Sài Gòn.
Theo đó, sau khi chứng kiến phong độ diễn hủy diệt của U23 Việt Nam, đặc biệt là màn đè bẹp Lào với tỷ số 8-2 trong khi Myanmar thua Lào 2-3, giới cá độ ở Việt Nam đã dồn kèo bắt đội nhà thắng đậm đối thủ này, ít nhất hai bàn. Vậy nên Hải muốn Vượng cùng đồng đội chỉ thắng với cách biệt tối thiểu và hứa trả mỗi cầu thủ 20-30 triệu đồng cho trận đấu này.
Tất nhiên, một mình Vượng không thể làm được điều này. Anh lôi kéo thêm các đồng đội và nhận được sự đồng ý từ sáu cái tên khác, tất cả đều là thành viên đội một bao gồm: Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Lê Bật Hiếu, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương và Châu Lê Phước Vĩnh.
Phần còn lại của vụ việc trở thành một vết nhơ khó thể gột rửa trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Văn Quyến và Quốc Vượng là hai cái tên để lại nhiều tiếc nuối nhất cho các cổ động viên Việt Nam.