Trong khi giá các thương hiệu vàng trong nước ổn định, giá vàng miếng PNJ và SJC Phú Quý bật tăng nhẹ.
Theo ghi nhận vào lúc 13 giờ hôm nay (23-11), giá vàng trên thị trường trong nước ổn định, riêng vàng miếng PNJ tăng từ 300.000 đồng tới 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng được niêm yết cụ thể như sau:
Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: Mua vào 85 triệu đồng/lượng – bán ra 87 triệu đồng/lượng.
Vàng Phú Quý SJC: Mua vào 85,3 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng) – bán ra 87 triệu đồng/lượng.
Vàng DOJI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Mua vào 85 triệu đồng/lượng – bán ra 87 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa / Vietnam+
Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 85,3 triệu đồng/lượng mua vào – 87 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 85,63 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 400.000 đồng/lượng) – 86,58 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 400.000 đồng/lượng).
Vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh Hà Nội: Mua vào 85,3 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng) – bán ra 86,8 triệu đồng/lượng (tăng 600.000 đồng/lượng).
Như vậy, giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước tính đến 13 giờ hôm nay (23-11) tương đối ổn định.
Dự báo, do tình hình xung đột tại Ukraine căng thẳng có thể khiến giá vàng vượt qua mốc 2.800 USD/ounce vào dịp Giáng sinh năm nay. Hiện tại, sau khi đạt mức cao nhất là 2.791 USD/ounce, giá vàng đã điều chỉnh về 2.540 USD/ounce. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh rằng bối cảnh chiến tranh, xung đột và bất ổn kinh tế toàn cầu có thể tạo ra “cơn bão hoàn hảo” để giá vàng lập kỷ lục mới.
Vàng không chỉ được xem là tài sản bảo vệ trước lạm phát mà còn là lựa chọn an toàn khi thị trường tài chính biến động mạnh. Theo ông Matthew Jones, chuyên gia phân tích kim loại quý tại Solomon Global, trong các cuộc chiến tranh trước đây như Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh hay Chiến tranh Vùng Vịnh, giá vàng luôn có xu hướng tăng. Ngày nay, với sự kết nối sâu rộng của thị trường toàn cầu, tác động từ các xung đột lớn càng làm tăng sự hấp dẫn của vàng.
Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương thường tăng dự trữ vàng để đa dạng hóa tài sản và giảm phụ thuộc vào các đồng tiền dễ biến động. Nhu cầu tăng từ các ngân hàng trung ương cũng là yếu tố góp phần đẩy giá vàng lên cao.