Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa phát đi công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão gần Biển Đông.

Trong công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; các cơ quan thông tấn, báo chí ngày 21.10, Bộ NNPTNT cho biết, dự báo đến đêm 22.10, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có mưa từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm, mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Đồng thời, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực phía Đông Philippines, dự báo mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới, khoảng ngày 25.10 có khả năng di chuyển vào biển Đông.

Từ chiều và đêm 24.10, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Cập nhật vị trí áp thấp nhiệt đới hồi 21h ngày 21.10.2024 hình thành gần Biển Đông. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam. Cập nhật vị trí áp thấp nhiệt đới hồi 21h ngày 21.10.2024 hình thành gần Biển Đông. Dự kiến áp thấp nhiệt đới này có thể mạnh lên thành bão. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với khu vực trên đất liền, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Đặc biệt, trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).