Cơn giông lốc do hoàn lưu trước cơn bão xảy ra tại Hà Nội đã làm 1 người chết, 6 người bị thương; 229 cây xanh bị gãy, đổ và 1 xe máy, 2 ô tô bị hư hỏng.
Theo báo cáo nhanh sáng nay (7/9) của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, hồi 07 giờ ngày 07/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Móng Cái (Quảng Ninh) cách khoảng 180km về phía Đông Nam, Quảng Ninh-Thái Bình khoảng 150km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo đến 19h/07/9: vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc, 106,1 độ Kinh Đông trên đất liền phía Đông Bắc Bộ, di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h, sức gió cấp 9-10, giật cấp 12; vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 18,5N, phía Tây kinh tuyến 111,0E. RRTT cấp 4: khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình; RRTT cấp 3: khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội; vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 07/9).
ADVERTISEMENT
Bão số 3 đang áp sát đất liền khu vực Đông Bắc bộ với cường độ cấp 14
Từ ngày 07/9 đến sáng 09/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 07/9 đến đêm 08/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Trong 3 ngày (từ 19h ngày 03/9 đến 19h ngày 06/9), các khu vực trên cả nước có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 70-120mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Ba Điền (Quảng Ngãi) 150mm; Ia Nan 1 (Gia Lai) 199mm; Kiến Đức (Đắk Nông) 153mm; Bảo Lộc (Lâm Đồng) 149mm.
Từ ngày 07-10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức BĐ2- BĐ3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức BĐ1-BĐ2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1; mực nước hạ lưu sông Hồng-Thái Bình ở dưới mức BĐ1.
Bão số 3 đã áp sát huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh
Gió đã bắt đầu mạnh lên tại các huyện ven biển của tỉnh Quảng Ninh và gây ra những thiệt hại đầu tiên
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1.
Mực nước các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên biến đổi chậm, dao động theo điều tiết hồ chứa và thủy triều.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên theo triều. Đến ngày 10/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,25m, tại Châu Đốc ở mức 2,25m.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 07/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú.
Lực lượng chức năng TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh di dời dân sống ven đồi có nguy cơ bị sạt lở về nhà văn hóa 2h sáng 7/9
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh – Nghệ An và Quảng Bình đã ban hành lệnh cấm biển.
Hiện vẫn còn 193 khách du lịch ở lại trên đảo và lưu trú tại nơi an toàn (Quảng Ninh 12 người, Hải Phòng 181 người).
Các địa phương đã sơ tán 48.160 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.734 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN thành phố Hà Nội, mưa dông, lốc chiều ngày 06/9/2024 đã làm 01 người chết (bà Lê Thị Tình, SN 1983, HKTT tại xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá), 06 người bị thương; 229 cây xanh bị gãy, đổ và 01 xe máy, 02 ô tô bị hư hỏng.
Lực lượng Công an TP Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả cơn giông lốc chiều 6/9
Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã thăm hỏi gia đình người bị nạn, huy động lực lượng khắc phục hậu quả.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi sát diễn biến của bão.