Duy Hưng phim “Độc đạo” chia sẻ rằng, ngoài đời, anh là người hiền lành, hòa đồng và thích làm việc nhà. Ở tuổi 35, nam diễn viên ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất và có hôn nhân hạnh phúc.
Nếu không có NSND Hoàng Dũng sẽ không có Duy Hưng của hôm nay
2024 là một năm khá thành công của Duy Hưng khi vai Trí trong “Người một nhà” mang về cho anh giải thưởng Cánh diều vàng ở hạng mục “Diễn viên nam xuất sắc phim truyền hình”, còn Khương “Liều” phim “Độc đạo” cũng giúp anh lọt vào top 2 “Diễn viên nam ấn tượng” của giải thưởng VTV Awards 2024. Nhìn lại một năm qua, hẳn anh có nhiều cảm xúc đặc biệt?
– Khi Người một nhà sắp quay xong, tôi đã nhận lời mời vào phim Độc đạo. Với tôi, đó là một thử thách lớn nhưng được khán giả yêu thương nên tôi đã đóng tròn hai vai diễn.
Hoàn thành 2 bộ phim, tôi và ê-kíp đều bất ngờ trước sự đón nhận, ủng hộ rất lớn của khán giả như vậy. Nhìn lại, tôi thấy mình đã có một năm rất may mắn dẫu nghề diễn nhiều vất vả, phải đổ mồ hôi và cả nước mắt.
Chính khán giả đã giúp tôi có được giải thưởng Cánh diều vàng và cũng nhờ những lời khen, chê, góp ý của khán giả mà tôi đã cố gắng, vững vàng hơn trong sự nghiệp của mình.
Duy Hưng có tin mình sẽ được xướng tên lên nhận giải Nam diễn viên ấn tượng VTV năm nay?
– Tôi nghĩ mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Khi được khán giả và VTV yêu quý, ủng hộ thì đó là giải thưởng lớn nhất với tôi.
Duy Hưng trong vai Hoàng “Mặt sắt” phim “Người phán xử” (ảnh trên), Trí ở “Người một nhà” (trái) và Khương “Liều” của “Độc đạo” (Ảnh: VFC).
Có thể thấy, trong sự nghiệp diễn xuất của mình, Duy Hưng được biết đến nhiều hơn và thành công đều với những vai giang hồ, xù xì, bặm trợn… Hướng đi này là do anh chủ động lựa chọn, là cơ duyên hay được các đạo diễn tin tưởng gửi gắm?
– Vai diễn đầu tiên trên màn ảnh VTV của tôi là Hoàng “Mặt sắt” trong Người phán xử. Nếu ngày đó không có NSND Hoàng Dũng (cố NSND Hoàng Dũng – PV) – người thầy, “người cha” của tôi – giới thiệu vào phim thì chưa chắc đã có Duy Hưng của ngày hôm nay.
Thầy đã luôn bên tôi động viên sát sao, ủng hộ, hướng dẫn và chỉ bài để tôi hoàn thành tròn vai Hoàng “Mặt sắt”. Khi đó, tôi mới ra trường, tuổi cũng không còn ít mà lại may mắn như vậy.
Từ vai diễn này và có lẽ cũng vì ngoại hình của tôi xù xì, hơi hầm hố – các đạo diễn thấy hợp – nên đã mời, giao cho tôi đóng những nhân vật giang hồ.
Về sau, tôi được ghi nhận và tin tưởng giao cho những vai có chiều sâu, gai góc hơn. Với tôi, tất cả đều là cơ duyên. Vai nào tôi cũng đón nhận và cố gắng làm, tuyệt đối không có tư tưởng nề hà hay kén chọn.
Anh không sợ đóng đinh trong một dạng vai, hình ảnh của mình bị “một màu”, nhàm chán trong mắt khán giả?
– Tôi không ngại hay sợ điều đó. Ngược lại, tôi thấy vinh dự khi đã cố gắng làm tốt nhân vật của mình, có vậy mới được mời vào các dự án tiếp theo.
Tôi luôn ghi nhớ lời chỉ bảo của NSND Hoàng Dũng rằng: “Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ, luôn phải cố gắng, quan sát và tư duy trong mọi vai diễn dù là nhỏ nhất”.
Từ Hoàng “Mặt sắt” phim Người phán xử, Việt “Sói” ở Mê cung, Đồng phim Mùa hoa tìm lại đến Trí của Người một nhà hay Khương “Liều” trong Độc đạo… các nhân vật của tôi đều có tính cách ngang tàng, thậm chí không sợ trời, không sợ đất.
Song, ẩn sâu trong mỗi nhân vật là cuộc sống khác nhau nhưng đều có cảm xúc với con cái, gia đình… Và tôi đã cố gắng khai thác khác đi cho tính cách của họ đặc biệt hơn.
Duy Hưng xúc động, ngậm ngùi khi nhắc đến cố NSND Hoàng Dũng – người thầy, “người cha” của anh – trong nghệ thuật (Ảnh: Songyang).
“Tôi rất hâm mộ anh Doãn Quốc Đam”
Nhìn lại gia tài phim ảnh của mình, anh thấy hài lòng và tiếc nuối với vai diễn nào nhất?
– Hầu như vai diễn nào khi quay xong, tôi cũng thấy tiếc nuối. Thậm chí, ngay khi ra khỏi bối cảnh, tôi cũng muốn làm lại.
Lúc mới vào nghề, có những hôm tôi không ngủ được, tôi từng nhắn tin xin đạo diễn cho mình làm lại cảnh đó được không. Bây giờ, có kinh nghiệm hơn, ngay khi diễn xong nhưng không ưng ý, tôi xin làm lại luôn vì vẫn có góc máy, bối cảnh đó.
Tôi còn nhớ trong phim Mùa hoa tìm lại, có đoạn tôi độc thoại với con nhưng thời gian đó chưa có con, nên ban đầu tôi đóng cùng với một diễn viên nhí rất khó.
Có phân đoạn quay xong cảm thấy tiếc nuối, tôi xin đạo diễn Vũ Minh Trí làm lại nhưng anh nói: “Sự mộc mạc đó mới hay, nếu diễn quá thì không phải là Đồng nữa”.
Với tôi, vai nào tôi cũng thích nhưng để lại nhiều kỷ niệm nhất là Hoàng “Mặt sắt”. Đây là vai diễn đầu tiên được NSND Hoàng Dũng giới thiệu, tôi chỉ mong diễn với thầy. Sau đó, tôi được ưu ái diễn 2 đoạn cùng thầy.
Với ngoại hình cá tính, hơi hầm hố, Duy Hưng thường được giao những vai giang hồ, bặm trợn trong phim (Ảnh: Songyang, Facebook nhân vật).
Duy Hưng nghĩ thế nào khi cùng với Doãn Quốc Đam, anh được khán giả gọi với danh xưng “tắc kè hoa” của màn ảnh Việt?
– Đầu tiên, tôi phải cảm ơn khán giả vì đã yêu quý, ưu ái gọi tôi như vậy. Tôi rất hâm mộ cách diễn và cách làm việc của anh Doãn Quốc Đam. Tôi học hỏi ở anh ấy rất nhiều từ biểu cảm nét mặt đến hành động khi đóng phim.
Tôi không dám nhận là “tắc kè hoa” mà chỉ cố gắng làm sao để vai diễn của mình phong phú hơn, để khán giả không thấy mình cũ và quá quen thuộc.
Anh có mơ đóng dạng vai mình chưa từng làm?
Nhìn Duy Hưng và xem những vai diễn anh đóng, nhiều người cho rằng, anh từng rất nghịch ngợm, thậm chí là học sinh cá biệt trong trường?
– Tôi không phải học sinh cá biệt nhưng học cùng với rất nhiều bạn cá biệt. Tôi nghịch trong mức độ vừa phải và đặc biệt là… tôi không có mối tình học sinh nào.
Duy Hưng chia sẻ rằng, ngoài đời anh hiền lành, cởi mở và không đào hoa (Ảnh: Songyang).
“Tôi hết lòng vì gia đình và không đào hoa”
Khi thấy Duy Hưng đóng những vai bặm trợn, gai góc… vợ và con trai anh có phản ứng ra sao?
– Bà xã luôn ủng hộ công việc của tôi vì cô ấy biết đó là nghề nghiệp, đam mê của chồng. Con trai tôi đã 4 tuổi, cậu bé cũng thích xem phim bố đóng. Tuy nhiên, tôi hạn chế cho con xem những cảnh đánh nhau, bạo lực.
Từ lúc 2-3 tuổi, tôi đã cho con đi xem kịch. Mỗi lần đến làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi thường để con ở cánh gà và tôi thấy con rất thích thú, chăm chú xem từ đầu đến cuối.
Với phim truyền hình thì con thích Ga-ra hạnh phúc, có khoảng hơn 1 năm con gọi tôi là Trung “Trâu” (nhân vật Duy Hưng đóng – PV). Mới đây, con lại gọi tôi là Khương “Liều” (cười).
Con cũng có năng khiếu nghệ thuật, từng tham gia nhiều quảng cáo cùng tôi và diễn cũng rất tự nhiên. Tôi thích nghề diễn viên từ nhỏ và nếu con muốn theo con đường của bố, tôi sẽ khắt khe hơn.
Khoảnh khắc đáng yêu của Duy Hưng bên con trai (Ảnh: Facebook nhân vật).
Sau khi được “biết mặt đặt tên” ở nhiều phim truyền hình, hẳn anh được mời đi nhiều sự kiện, tham gia nhiều quảng cáo và cát-xê cũng tăng?
– Ban đầu, tôi đóng vai quần chúng nhiều lắm, tôi cứ cố gắng vì yêu nghề. Cát-xê thấp nhất tôi nhận được là 50.000 đồng. Hồi đó là sinh viên, số tiền đó chỉ đủ tôi đi xe bus về nhà và ăn được 1 bữa.
Sau này, thu nhập có tăng lên, cũng gọi là kiếm chút rau, chút bún cho con thôi (cười).
Khán giả tò mò, đằng sau một Duy Hưng xù xì, gai góc trên màn ảnh nhỏ, ngoài đời, anh là người thế nào?
– Tôi hiền lành thôi và là người luôn dành thời gian cho gia đình, bố mẹ, vợ con…
Tôi có sở thích làm việc nhà như: Nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, hay lọ mọ bày biện trong nhà và chơi với con.
Anh có sợ vợ ghen không? Anh có nguyên tắc gì đặc biệt khi đóng phim?
– Vai diễn của tôi thường không phải tổng tài, giám đốc nên không có những cảnh tình tứ. Đôi khi chỉ cần cái chạm tay nhẹ cho yêu cầu của nhân vật tôi đóng.
Dù thế nào bà xã cũng không ghen vì cô ấy hiểu đó chỉ là công việc. Vợ luôn động viên, ủng hộ tôi trong con đường nghệ thuật.
Điểm chung giữa Duy Hưng với Trí của “Người một nhà” và Khương “Liều” trong “Độc đạo”?
– Đó là hết lòng vì gia đình và không đào hoa. Tôi là người hòa đồng, vui vẻ, chiều vợ và hay tặng hoa cho vợ, đưa vợ đi chơi.
Cuộc sống hôn nhân cũng có những lúc này lúc kia nhưng cả hai biết dừng đúng lúc để mọi việc không đi quá xa. Tôi cũng là người nắm tài chính gia đình, vợ đứng phía sau hỗ trợ.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!