Lũ sông Hồng dâng cao tại địa phận Hà Nội, từ đêm qua đến sáng nay (10-9), các quận huyện ven sông Hồng khẩn cấp sơ tán người dân và tài sản để đảm bảo an toàn.

Cấm cầu Long Biên từ 15h chiều 10/9

Do nước sông Hồng lên báo động một, UBND TP Hà Nội quyết định cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h hôm nay đến khi đảm bảo an toàn.

Chiều nay, lũ sông Hồng đã lên báo động một 9,5 m (cao nhất là báo động ba). Từ năm 2008 đến nay, lũ mới lên cao như vậy. Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.

9h cùng ngày, ngành đường sắt đã dừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, đồng nghĩa 5-6 đôi tàu sẽ phải dừng lại.

Lũ sông Hồng lên nhanh, cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h hôm nay- Ảnh 1.

Ảnh: MXH

Nước sông Tích dâng cao, cấm ô tô di chuyển trên đê

Sau bão, nhiều khu vực tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) ngập sâu trong nước do lũ dâng cao trên sông Tích, người dân một số vùng phải dùng thuyền đi lại.

Trên tỉnh lộ 412B, nước ngập sâu 40-50cm. Lực lượng chức năng đã tiến hành cấm ô tô di chuyển trên đê sông Tích từ 19h tối 9/9.

13h30 ngày 10/9, mực nước sông Tích tại huyện Quốc Oai là 8,35m. Xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai bị cô lập. Mưa lớn kéo dài từ sáng khiến giao thông đi lại khó khăn.

Ông Cấn Văn Luân, Phó chủ tịch xã Cấn Hữu cho biết, Ban chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai đã điều động 2 cano để đưa đón học sinh đi học và hỗ trợ bà con đi lại tới khu vực trung tâm để mua sắm các nhu yếu phẩm. “Sáng 10/9, bà con nhân dân còn di chuyển bằng các lội bộ ra đường lớn. Hiện tại, do mưa lớn tiếp tục xảy ra, chúng tôi đã tiến hành cấm đường để đảm bảo an toàn”, ông Luân nói.

Đề xuất cấm người và xe đi trên cầu Long Biên

Thành phố Hà Nội vừa nhận được đề xuất của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) về việc cấm tất cả người và xe lưu thông trên cầu Long Biên. Đề xuất này được đưa ra sau khi các đoàn tàu đã dừng chạy trên cầu Long Biên từ sáng 10/9.

Cụ thể, Tổng Cty VNR cho biết, theo báo cáo của các đơn vị có liên quan, cầu Long Biên (Km3+056) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, vào lúc 8h00 ngày 10/9/2024 mực nước tại cầu Long Biên còn cách đáy dầm chạy tàu 3,5m, vượt quy định.

“Trong khi đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu Long Biên – mực nước tại trạm thủy văn Long Biên lúc 8h30 là 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm ngày 10/9)”, đại diện VNR thông tin trong văn bản.

Do vậy, Tổng Cty VNR đã dừng chạy tàu qua cầu Long Biên (Km3+056) tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng từ 8 giờ ngày 10/9/2024 cho đến khi mực nước rút đến mức an toàn.

Hà Nội khả năng mưa dông, gió giật mạnh cuối giờ chiều

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, dữ liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu từ phía khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía Hà Nội.

Ngoài ra, vùng mây đối lưu từ phía huyện Thạnh Thất, Quốc Oai có xu hướng di chuyển về phía Hà Nội.

Cảnh báo trong khoảng 1-2 giờ tới những ổ mây đối lưu này trước tiên gây mưa rào và dông cho khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông và sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Lũ sông Hồng lên nhanh, Hà Nội khẩn cấp sơ tán dân

Đến 11 giờ ngày 10-9 mức nước sông Hồng qua khu vực Long Biên (Hà Nội) đang ở mức báo động I là 9,50 m. Lũ sông Hồng dâng cao khiến nhiều nhà, hoa màu ven sông bị ngập lụt. Chính quyền địa phương các quận huyện khẩn cấp sơ tán người dân và tài sản để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại.

Nhiều hộ dân ven sông cho hay, lũ sông Hồng bắt đầu gây ngập lụt từ chiều ngày 9-10 và vẫn tiếp tục dâng cao. Từ chiều 9-10 giờ sáng ngày 10-9, mức nước sông Hồng đã dâng cao khoảng 1,5 m. Theo người dân, chưa bao giờ họ chứng kiến lũ sông Hồng dâng cao và nhanh như vậy.

Nước lũ dâng cao khiến khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc các phường Chương Dương, Phúc Tân của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị ngập, giao thông bị chia cắ

Tại huyện Mê Linh, từ chiều 9-10, ngay khi nhận được tin cảnh báo lũ sông Hồng dâng cao, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời các hộ dân và gia súc, gia cầm ở các lều lán, trang trại ven sông Hồng thuộc xã Văn Khê đến nơi an toàn. Còn tại khu vực quận Hoàn Kiếm, lũ sông Hồng dâng cao khiến phường Chương Dương và Phúc Tân ảnh hưởng trực tiếp. Từ đêm 9-10, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu di dời khẩn cấp 60 hộ dân (200 nhân khẩu) ở phường Chương Dương, 70 hộ dân (260 nhân khẩu) ở phường Phúc Tân đến nơi an toàn.