Từ đầu tuần, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 11,5 triệu đồng/lượng. Bảng giá vàng của các thương hiệu kinh doanh trong nước liên tục “nhảy múa”.
Giá vàng tăng với biên độ lớn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức kỷ lục 115,5-118 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 2,5 triệu đồng mỗi chiều so với giá đóng cửa phiên liền trước. Đây là mức giá cao nhất mặt hàng này từng ghi nhận.
Chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. So với giá đóng cửa tuần trước, giá vàng miếng đã tăng 11,5 triệu đồng/lượng với biểu đồ giá vàng tăng dựng đứng. Còn So với đầu năm, mỗi lượng vàng tăng 26 triệu đồng.
Giá vàng được niêm yết ở mức ở mức 113,8-117 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Còn mặt hàng vàng SJC 5 chỉ được niêm yết tại 115-118,02 triệu đồng/lượng (mua – bán). Còn mặt hàng vàng nhẫn SJC 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ được niêm yết tại 115-118,03 triệu đồng/lượng (mua – bán). Đây là mức giá cao nhất mà các mặt hàng này từng ghi nhận và cũng lần đầu tiên thị trường ghi nhận giá vàng vượt 118 triệu đồng/lượng.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, trong bối cảnh mặt hàng vàng miếng SJC 1 lượng đang “cháy” hàng và vàng nhẫn 1 chỉ bị giới hạn mua tối đa 1-5 chỉ/khách (tùy cửa tiệm), các mặt hàng vàng SJC 5 chỉ và vàng nhẫn SJC 0,5 chỉ được khách hàng quan tâm hơn.
Còn trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay giao dịch quanh 3.289 USD/ounce. Trước khi quay đầu giảm về mức hiện tại, có thời điểm kim loại quý ghi nhận đạt mức đỉnh là 3.354 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, kim loại thế giới tương đương 104,3 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 30%, đánh bại mọi loại tài sản đầu tư phổ biến trong cùng giai đoạn.
“Mọi thứ diễn ra theo hướng có lợi cho vàng, đẩy giá lên mức cao kỷ lục. Mặc dù trượt giá, kim loại vẫn có khả năng tăng giá khi căng thẳng thương mại tiếp diễn”, Nikos Tzaboura, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Tradu.com cho biết.
“Vàng vẫn được hỗ trợ đáng kể bởi USD mất giá, bất ổn quanh chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ cũng như nỗi lo suy thoái toàn cầu”, ông Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao tại FXTM nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs mới đây dự báo rằng, giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025 và thậm chí cán mốc 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng chốt lời hoặc tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc (nếu có) cũng có thể kích hoạt một đợt điều chỉnh.
Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa ở Saxo Bank, chia sẻ: “Đà tăng mạnh có thể khiến thị trường sớm rơi vào điều chỉnh. Nhưng kịch bản hơn một năm qua cho thấy mức độ điều chỉnh sẽ không lớn”.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng tỷ giá USD
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.893 đồng, giảm 6 đồng so với mức niêm yết trước đó.
Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.648 đồng đến 26.138 đồng.
Tỷ giá USD trong nước tăng trở lại với mức tăng phổ biến trong khoảng 40-80 đồng, đưa giá mua lên vùng 25.670-25.700 đồng/USD và giá bán dao động trong khoảng 26.050-26.080 đồng/USD.
Trên thị trường “chợ đen”, đồng USD được giao dịch ở mức 26.200-26.300 đồng (mua – bán), giá mua tăng 60 đồng và giá bán tăng 70 đồng.