Từ khi bầy con của bà Tâm, ông Sơn ly tán, người con gái lớn đã nuôi ý thức thay mẹ gom lại những đứa em. Số phận bi kịch của mỗi người chỉ được hé lộ sau hơn 30 năm.

Chị lớn nỗ lực đi tìm những “khúc ruột” bị chia phôi

Chị Lê Thị Mỹ Lệ (1977), là con riêng của bà Trần Thị Tâm (1952, người Thừa Thiên – Huế). Từ năm 8 tuổi, Lệ và Phong (hai con cùng cha) đã cùng mẹ và cha dượng là ông Phạm Văn Sơn (1961, người Thái Bình) đi hát rong, xin tiền trên tàu hỏa.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 1.

Chị Mỹ Lệ, chị cả, trăn trở chuyện gom lại các em lưu lạc từ khi còn niên thiếu

Nghĩ về quãng đời rong ruổi, chị Lệ ngậm ngùi: “Không ai sinh ra mà muốn chọn nghề cơ hàn, ăn đình ngủ chợ, lang thang nay đây mai đó. Gia đình mình khi đó, bố đàn, mẹ hát, con thì đi xin. Nghề dạy nghề, bố hát riết thì mình cũng thuộc, cũng quen, cũng biết hát, rồi bắt buộc phải vào nghề để sinh sống”.

Ông Sơn và bà Tâm có với nhau 3 người con chung, tên Lộc (1985), Đèo (1986) và Hùng (còn gọi Bi, 1990). Đến năm 1991, ông Sơn mất khi mới 30 tuổi, gia đình tan tác, bầy con ly tán. Chị Lệ đi theo những người tàn tật, cùng mẹ và các em đi khắp các tỉnh từ Quảng Ngãi ra Bắc, hát rong kiếm sống.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 2.

Ông Sơn và bà Tâm đều đã có con riêng, trước khi đến với nhau

Năm 1996, cả nhà về quê mẹ, lợp tạm cái nhà nhỏ để sinh sống. Chị Lệ lấy chồng cùng trang lứa, rồi năm 2000, dắt mẹ cùng hai em là Phong và Bi vào Nam tìm nghề mới. Chị chọn sống ở gần cảng cá Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi thiên nhiên hài hòa, con người dễ sống.

Chị làm nghề đông lạnh, rồi xoay sang bán vé số đã 20 năm nay. Cực khổ gian nan mấy năm trời rồi cũng ổn định. Năm 2006, chị đã mua được đất, cất được nhà cho mẹ và các em ở. Nhưng cũng trong năm đó, anh Phong mất do tai nạn giao thông.

Đến năm 2018, bà Tâm cũng qua đời. Từ thuở nhỏ cho đến ngày mẹ mất, chị Lệ vẫn là trụ cột gia đình, một tay chăm sóc mẹ và các em, không có gì ân hận, ngoài việc chưa tìm được Lộc và Đèo. “Mẹ làm gì có tiền, cũng không biết cách nào đi tìm, nhờ con sau này đi tìm các em”, chị Lệ vẫn nhớ lời mẹ gửi gắm.

Em Đèo của chị bị người ta dắt đi ngày 1/6 âm lịch, khi bố Sơn qua đời được 10 ngày. Chị Lệ nhớ, có người đàn bà đến xin ở trọ tối hôm trước, sáng hôm sau dắt em Đèo của chị đi luôn.

Mẹ chị không báo công an mà đi xem bói, thầy bói bảo người ta đưa em Đèo ra Bắc. Chị và mẹ cứ đi trong mơ hồ, vừa hành nghề kiếm sống vừa tìm con, ra tận Lạng Sơn, nhưng chưa từng nghe tin tức gì.

Chị Lệ còn nhớ, khi bị dắt đi, em Đèo khoảng 5 tuổi, mặc áo có in hình 3 con chó xù trước ngực, là do chị đi hát có tiền mà mua cho. “Em Đèo được đặt tên thế vì có 6 ngón tay, nhưng trắng trẻo đẹp trai lắm. Không biết cô đó có nuôi nó không hay đem cho người khác thì tội nghiệp em lắm”, chị Lệ xúc động.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 3.

Những cơ cực không làm chị Lệ nguôi ý định tìm các em

Chị gái của Đèo là Lộc được gửi về Thái Bình nuôi khi chưa tròn tuổi. Năm 1996, chị Lệ đưa mẹ và Bi ra Thái Bình thăm em gái, nhưng không được cho gặp, chỉ nhìn nhau từ cửa sắt.

Năm 1997, một mình chị Lệ ra Bắc định đón em Lộc về đoàn tụ, nhưng người nhà không cho. Chị kể: “Người ta bảo em đi theo mẹ lang thang, không nhà không cửa làm gì cho khổ, mà rõ ràng khi đó mẹ có nhà rồi.

Mình viết thư gửi cho em Lộc, bảo chị đón em về với mẹ, em không cần mang theo quần áo hay đồ đạc gì hết. Thư đưa cho em nhưng em ngây thơ chưa hiểu, mang vào đưa cho người nhà xem.

Người nhà làm lớn chuyện, kêu ầm lên nói với dân làng mình là người bắt cóc, thậm chí còn định đưa mình ra công an. Mình giận, về luôn và thề không bao giờ quay trở lại Thái Bình nữa”.

Có mẹ cha mà như côi cút, được huấn luyện thành “người xiếc”

Thề vậy, nhưng tới năm 2015, chị Lệ lại đi Cầu Bo, Thái Bình để tìm em. Khi tới nơi, nhà của bác đã bán, bác cũng đã mất. Chị tìm về quê Kiến Xương, tìm ra được bà con xa của Lộc, gửi lại số điện thoại, dặn người ta nếu có gặp Lộc thì điện lại cho mình. Từ đó, năm nào chị cũng gọi người họ hàng đó để hỏi thăm tung tích của em.

Trùng hợp là, năm 2016, chị Lộc cũng đi tìm gia đình, cũng hỏi hàng xóm; người ta nói có một người phụ nữ, có thể là mẹ về tìm, nhưng không để lại gì cả. Chị Lệ và chị Lộc đã bỏ lỡ nhau như thế.

Lộc hầu như không nhớ mặt bố Sơn, cũng không nghe ai kể chuyện về bố mẹ bao giờ. Thi thoảng mẹ có về quê thăm, thì Lộc mới biết mình có mẹ và có chị, có em.

Sống cùng hai bác là chủ gánh xiếc Long Vân, Lộc cùng một số người khác được dạy nghề xiếc, luôn ở trong nhà tập luyện. Thuở bé, không cha không mẹ, Lộc theo đoàn đi khắp Thái Bình, Hải Phòng diễn trò.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 4.

Chị Lộc thuở nhỏ, khi biểu diễn xiếc trong đoàn của người bác

Năm 1999, Lộc bỏ trốn khỏi nhà, không một đồng xu trong túi. Đó là lần trốn thứ ba, và chỉ mình Lộc thoát được khi qua được phà sang sông, còn mấy người kia bị bác bắt lại.

Một cô bé 14 tuổi, chưa từng được bố mẹ nâng niu hướng dẫn, chưa từng được hưởng tình thân của anh chị em, chưa từng học cách sống bên ngoài cánh cửa nhà khóa chặt, thoát ra rồi cũng không có cách nào khác ngoài đi diễn xiếc để có cái ăn chỗ ở.

Suốt nhiều năm, Lộc đi diễn xiếc ở trong Nam, ngoài Bắc, đến tận mũi Cà Mau, nhưng lại chưa từng tìm đến được với gia đình. Về Huế, Lộc cũng thấp thỏm nhớ ai đó nói hình như đó là quê mẹ, nhưng cũng không có manh mối gì để tìm.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 5.

Sau 27 năm “tuột tay” nhau, hai chị em gái mới trùng phùng

Trong ký ức mờ mịt về gia đình, Lộc vẫn nhớ mình có chị Tý (chị Lệ), anh Phong mà mẹ hay gọi là Chó, có em là cu Bi, nhưng đã đứt gãy liên lạc từ năm 1997.

Mãi sau này, chị bỏ nghề xiếc, chuyển sang làm công nhân may. Nhưng ngay cả khi “cắt đứt” với quá khứ, nỗi đau không vì thế mà vơi đi.

“Đứa trẻ vô thừa nhận” bị bắt cóc; có vợ, sinh con mà vẫn “vô hình”

Em trai kế chị Lộc, anh Đèo (sau lấy tên là Phạm Quang Tèo), bị tách khỏi gia đình hồi tháng 6/1991. Giờ đã có vợ và 3 con, anh sống ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, làm thợ đào giếng và nhiều việc nặng nhọc để đủ tiền nuôi con.

Ngày biết vợ mang bầu đứa trẻ thứ ba, anh nài nỉ vợ có nghèo vẫn giữ đứa trẻ để nuôi, rồi dặn: “Nếu tôi có chết sớm thì vợ cũng cố nuôi con, đừng đem bán hay cho con đi giống thân phận tôi, tội nghiệp lắm!”.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 6.

Anh Tèo hiền khô, nhút nhát, cả đời sống loanh quanh ở thị trấn nơi bị người bắt cóc bỏ lại

Năm bị người đàn bà xa lạ rao bán ở chợ Quảng Phú, cách xa nhà hơn 650km, anh mới hơn 4 tuổi. Thỉnh thoảng, anh có những ký ức mơ màng về hồi mình còn nhỏ.

Em cứ nghĩ, chắc ba mất rồi, một mình mẹ nuôi không được mấy đứa con, mẹ đem cho em đi, chứ không nghĩ là mình bị bắt cóc. Nên em có dám đi tìm lại gia đình đâu.

Em còn nhớ có người chị đưa em lên tàu, kêu em ‘Tèo ơi (anh nhớ nhầm tên mình), cầm cái lon xin tiền nha, còn chị hát’, nhưng em nhát nên không cầm, chỉ lang thang chơi trên tàu. Nhà còn có ba tên Sơn, mẹ tên Tâm, chị Tý, anh Chó, có em Bi mới biết ngồi nữa”.

Tiểu thương lâu năm ở chợ Quảng Phú vẫn nhớ hồi anh Tèo bị rao bán giữa chợ. Người ta nghi người đàn bà kia bắt cóc trẻ con nên báo công an. Anh được giao cho ông Ba Thành, bán cháo lòng trong chợ nuôi đỡ một thời gian để giải quyết.

Người bắt cóc trốn mất, anh cũng quá nhỏ không nhớ đủ thông tin, nên trở thành con út của gia đình ông Thành. Từ khi ở thị trấn Quảng Phú cho đến khi là bố 3 con, anh không có giấy tờ gì chứng minh mình là công dân hợp pháp, vì “không rõ nguồn gốc”.

Anh chưa từng đi khỏi thị trấn. Gia đình nuôi cho học mẫu giáo, đến lớp 1 thì nghỉ. Lớn chút, Tèo đi trông rẫy cho anh nuôi, quẩn quanh với việc đồng áng.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 7.

Cuộc đời bi kịch của anh Tèo được an ủi nhờ tình yêu của vợ con

Mẹ vợ biết anh từ thuở lưu lạc, thấy tội nghiệp đứa trẻ lủi thủi, hiền khô, vì sơ sẩy mà rơi vào giữa biển người lạ lẫm, nên gả gái cưng cho.

Con trai đầu của anh năm nay đã 17 tuổi, được linh động khai sinh theo họ của gia đình nuôi anh, họ Phạm. Còn hai đứa con sau, giấy khai sinh đều phải mang họ mẹ và bỏ trống tên cha. Hợp đồng đào giếng thuê đất cũng vợ ký tên. Đến cái xe máy anh cũng không được lái vì không có bằng.

Nếu có gì đó tươi sáng, ấm áp nhất đến với cuộc đời của anh Tèo, thì đó có lẽ là chị Nguyệt, vợ anh. Sống với anh nhiều năm, chị hiểu kiểu người đàn ông như chồng mình là không than vãn, nuốt nước mắt vào trong. Người đàn ông cứng cỏi ấy, dù đối diện với bao sóng gió, chưa bao giờ thấy khóc.

***

Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, từ bức thư khẩn thiết của chị Lệ, đã tìm được chị Lộc và anh Tèo, giúp họ đoàn tụ với gia đình. Khi câu chuyện cuộc đời từng người được hé lộ, chị Lệ, chị Lộc, anh Bi khóc như mưa, còn anh Tèo cố nén nước mắt. Giọt lệ chỉ lưng chừng mà không đổ xuống. Vậy mà khoảnh khắc đoàn tụ, sà vào vòng tay hai chị và em trai, anh òa lên như lạc giọng.

Lấy vợ lớn hơn 9 tuổi, có 2 con riêng, người đàn ông - Ảnh 8.

Ngày đoàn tụ của 4 “khúc ruột cắt ra”

“Nói chuyện với mẹ” trước biển gần nhà, chị Lệ sung sướng vì đã tìm lại được các em. Dù không khá giả gì, chị vẫn mong có thể giúp gì đó cho các em của mình những tháng ngày sau đỡ vất vả.

Chị Lệ cũng mong, tìm đủ các em rồi, mấy chị em sẽ có thể cùng chuyển mộ và xây cho bố Sơn một ngôi mộ đàng hoàng, dù ông không hề có huyết thống gì với mình. Ông nằm lại nằm ở một nghĩa trang nhỏ hoang vắng tại miền Trung, sắp giải tỏa. Cứ 2 – 3 năm, chị lại đến thăm mộ bố một lần, khấn xin ông phù hộ cho mấy chị em được gặp nhau.