Cả tháng qua, Quảng Ngãi mưa dầm không ngớt, nước lũ trên các sông đang lên nhanh. Hai tháng qua, người dân sống dọc sông Trà Câu 4 lần chạy lũ.
Lực lượng chức năng phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phố vào vùng ngập sơ tán dân – Ảnh: UBND thị xã Đức Phổ
Ngày 28-12, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang theo dõi sát diễn biến mưa lớn liên tục và lũ trên các sông đang lên nhanh để chủ động ứng phó.
Các trạm đo mưa tại Quảng Ngãi đo được lượng mưa rất lớn từ miền núi đến đồng bằng.
Cụ thể, lượng mưa tại các trạm tại Ba Điền 288mm, Ba Cung 236mm, Ba Liên 273mm, Ba Lế 173mm, Hành Tín Tây 196mm, Bình Mỹ 185mm, Ba Dinh 180mm, Sơn Nham 164mm, Nghĩa Trung 158mm, Tịnh Thọ 120mm, Hành Dũng 140mm, Phố Phong 121mm…
Kèm theo mưa lớn, lũ trên sông Trà Câu lên nhanh, mực nước đo được lúc 9h sáng 28-12 tại trạm sông Trà Câu 5,77m, vượt báo động 3; lũ trên Sông Vệ 3,03m, dưới mức báo động 2 0,47m.
Dự báo tối 28-12 lũ trên sông Trà Câu và sông Vệ tiếp tục dao động ở mức cao và chưa có dấu hiệu đi xuống, bởi mưa lớn còn kéo dài.
Hàng ngàn héc ta lúa ở thị xã Đức Phổ vừa xuống giống đã bị ngập. Mưa lớn cũng khiến vựa rau của Quảng Ngãi dọc sông Trà Khúc bị hư hỏng nghiêm trọng. Hai tháng qua, người dân sống ven sông Trà Câu đã 4 lần chạy lụt.
Tại các huyện miền núi, tình trạng sạt lở cũng đang diễn biến phức tạp. Tại thôn Trà Linh, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đang xuất hiện núi nứt, sườn đồi sạt lở đe dọa hơn 40 hộ dân dưới chân núi.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ban bố tình trạng khẩn cấp với điểm sạt lở này.
Hai tháng qua, người dân hạ lưu sông Trà Câu đã 4 lần sơ tán vì lũ lên – Ảnh: TRẦN MAI
Liên tục kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu để kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn; lưu ý các khu vực đã và đang có sạt lở tại các huyện miền núi và ngập tại hạ lưu sông Trà Câu, sông Vệ, sông Phước Giang.
Các lực lượng tại chỗ sẵn sàng trong tất cả các tình huống thiên tai xảy ra. Lưu ý việc cảnh báo sớm, tránh bị động xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau lũ. Nhất là các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.