Ngày cưới lẽ ra là thời gian đẹp nhất trong đời mỗi người nhưng với tôi đây lại là dấu ấn khó quên bởi những chuyện không ngờ tới.
Tôi xuất thân từ một gia đình giàu có nên luôn được bố mẹ đặt kỳ vọng, đặc biệt là chuyện lấy chồng. Bố mẹ muốn tôi phải lấy được người đàn ông môn đăng hộ đối và đám cưới phải thật hoàn hảo, sang trọng.
Khi tôi yêu và quyết định lấy anh làm chồng, bố mẹ không ưng ý vì hoàn cảnh của anh không tương xứng. Nhưng thấy tôi kiên quyết, bố mẹ đành chấp nhận.
Sau nhiều tranh cãi, bố mẹ tôi quyết định chi 2/3 số tiền đám cưới. Khách hai bên ăn cỗ chung, tiền mừng nhà trai, nhà gái để riêng.
Bố chú rể mang cỗ thừa về khiến nhà gái khó chịu. Ảnh minh họa: FP
Khách mời, đặc biệt từ phía nhà tôi đều là những người có địa vị, giàu có. Khách nhà trai bình dân hơn nên choáng ngợp trước sự xa hoa của buổi tiệc.
Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được lâu.
Khi tiệc cưới vừa kết thúc, một số quan khách vẫn đang trò chuyện, bố chồng tôi gọi nhân viên mang tới một cái thùng giấy và xấp túi nilon. Tiếp đó, ông đích thân thu gom những đĩa ăn thừa.
Sau đó ông gọi vài người trong họ bê thùng giấy đựng đầy thức ăn ra xe, chở về.
Hành động tiết kiệm của bố chồng khiến bố mẹ tôi nổi nóng. Trong mắt bố tôi, việc làm của thông gia là thiếu lịch sự, đáng xấu hổ. Bố gọi tôi vào góc, mắng một trận.
Bị mắng, tôi chạy ra kéo áo chồng trách móc: “Em thật sự không biết giấu mặt vào đâu nữa”. Chồng tôi chỉ im lặng, không nói gì.
Bố chồng tôi cũng cảm thấy bị xúc phạm. Ông cho rằng hành động của mình là đúng đắn, tránh lãng phí và chẳng có gì đáng xấu hổ. “Ăn không hết thì mang về, có gì mà phải làm to chuyện”, ông bực tức nói.
Một vài khách chưa về thì mắt tròn mắt dẹt chứng kiến hai thông gia nói qua nói lại.
Sau đám cưới, chúng tôi ở riêng nên sự cố trên không ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân. Nhưng thông gia thì không bao giờ gọi điện hỏi thăm nhau nữa. Tôi cũng ít khi về quê chồng nếu như không có việc quan trọng.