Theo Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 8 giờ 50 sáng nay 30-8, cơ quan này ghi nhận hơn 7.200 cú sấm sét đánh xuống đất và trong mây ở khu vực Bắc Bộ và một số khu vực khác.

Miền Bắc mưa to, hơn 1.000 cú sét đánh mỗi giờ- Ảnh 1.

Bản đồ ghi nhận sét đánh trong sáng 30-8 – ảnh: Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay 30-8, ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to, có nơi trên 70 mm như: Quân Chu (Thái Nguyên) 141,2 mm, Xuân Minh (Hà Giang) 138,2 mm, Ngọk Tụ (Kon Tum) 120,2 mm, Rô Men (Lâm Đồng) 77,8 mm, Hòa Khánh (Đắk Lắk) 73,6 mm,… Mưa to kèm theo dông sét đã khiến nhiều người lo lắng.

Dự báo chiều tối và và đêm 30-8, ở khu vực Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30 mm, cục bộ có nơi trên 70 mm.

Ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40 mm, cục bộ có nơi trên 90 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Đáng chú ý, theo thống kê của Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn), trong sáng nay 30-8, hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị sét của đơn vị này ghi nhận được hàng ngàn cú sét đánh xuống đất và sét trong mây ở trên đất liền, trên biển và khu vực lân cận Việt Nam.

Qua quan sát bản đồ hiển thị theo thời gian thực cho thấy sét đánh sáng sớm nay tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Thời điểm 4 giờ – 5 giờ sáng 30-8, cứ 10 phút trôi qua có hơn 1.000 cú sét đánh xuống đất và sét trong mây. Thời điểm này, sét tập trung nhiều ở các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hòa Bình,

Trong một giờ đồng hồ, kể từ 7 giờ 50 đến 8 giờ 50 sáng nay, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia đã ghi nhận 7.243 cú sét, trong đó có 4.035 cú sét đánh xuống đất và 3.208 cú sét trong mây ở nhiều khu vực khác nhau, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Hồi đầu tháng 6-2024, tại Hà Nội, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia đã ghi nhận hơn 7.000 cú sấm sét dội xuống Hà Nội với cường độ khác nhau.

Còn tại khu nam đồng bằng bắc bộ (trọng tâm tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam) từ 15 giờ đến 18 giờ ngày 19-5-2024, xảy ra 107. 825 sét đánh, trong đó có 31.957 lần sét đánh xuống đất. Chia trung bình ra 10 phút có từ 790 đến 3.040 lần sét đánh xuống đất.

Tại Yên Bái, chỉ trong 1 giờ đồng hồ, từ 17 giờ đến 18 giờ, có tổng số 9.131 cú sét, trong đó có 2.968 cú sét đánh xuống đất. Trung bình 494 cú sét/10 phút.

Ông Nguyễn Đức Phương – Trưởng phòng radar thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết hiện nay mạng lưới định vị sét của Việt Nam có 18 trạm định vị sét. Mạng lưới định vị sét này được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế. Mạng lưới định vị sét của nước ta hiện nay được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực các sự kiện sét trong mây và xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC).

Theo Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia, những cú sét được ghi nhận có cường độ khác nhau, thậm chí có những cú sét cường độ nhỏ, chỉ là những tia sét nhỏ nhưng do máy móc quan trắc vẫn ghi nhận.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, khi trời mưa dông thường hay xảy ra hiện tượng sấm sét. Sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn.

Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm.

Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét mỗi năm. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam bộ.

Theo nld.com.vn