Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực quy định, lái xe máy nẹt pô khi tham gia giao thông trên đường có thể bị xử phạt lên tới 10 triệu đồng.
Bạn đọc Bùi Phi (Hà Nội) hỏi: Từ năm 2025, người điều khiển xe máy có hành vi nẹt pô khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?
Câu hỏi:
Bạn đọc Bùi Phi (Hà Nội) hỏi: Từ năm 2025, người điều khiển xe máy có hành vi nẹt pô khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Luật sư Tô Bảo Long – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) có hiệu lực.
Khoản 5 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định, nghiêm cấm hành vi “rú ga liên tục”, cùng một số hành vi gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Trên cơ sở đó, tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính với người điều khiển ô tô khi “rú ga liên tục” với số tiền là từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, không bị trừ điểm hoặc tước giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, khác với xe ô tô, xe máy sẽ bị phạt cao hơn gấp 10 lần. Tại điểm k khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi “rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…” với số tiền là 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 7 Nghị định này.
Theo luật sư Long, lý do mức phạt của xe máy cao hơn xe ô tô xuất phát từ các đặc điểm cụ thể như: Xe máy là phương tiện chiếm phần lớn giao thông tại nước ta, hành vi nẹt pô từ xe máy dễ gặp và thường xuyên xảy ra ở các khu vực đông dân cư, gây ảnh hưởng lớn hơn ô tô; mặt khác, khi xe máy nẹt pô thường gây tiếng ồn đột ngột và liên tục, dễ gây hoảng sợ, ảnh hưởng trực tiếp đến người đi bộ và phương tiện xung quanh.
Hơn nữa, việc áp dụng mức phạt cao nhằm răn đe, ngăn chặn triệt để hành vi này, đảm bảo an toàn trật tự giao thông và trật tự công cộng.